Ngày 9/12, Thượng viện Mỹ đã công bố bản báo cáo điều tra đặc biệt về chương trình bắt giữ và tra tấn của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đối với các nghi phạm khủng bố sau vụ tấn công 11/9.
Báo cáo này ngay lập tức đã làm dấy lên những chỉ trích quyết liệt trong các thượng nghị sĩ và dư luận Mỹ rằng chương trình tra tấn của CIA là “phi đạo đức”, và hoạt động “thẩm vấn tăng cường” của cơ quan tình báo này được quản lý yếu kém, và rằng những đòn tra tấn của CIA không hề hiệu quả.
Tuy nhiên, cáo buộc cho rằng chương trình tra tấn không hề phát huy hiệu quả đã lập tức bị CIA bác bỏ với lập luận cho rằng chỉ có tra tấn mới có thể lấy được thông tin từ những kẻ khủng bố.
Trong bản tuyên bố “phản công” dày 136 trang vừa được công bố, CIA phủ nhận các cáo buộc của Thượng viện Mỹ về sự vô dụng của các “kỹ thuật thẩm vấn tăng cường”, một thuật ngữ mỹ miều ám chỉ các đòn tra tấn của CIA đối với tù nhân. CIA khẳng định những tù nhân bị áp dụng các chiêu tra tấn này đã “phun ra nhiều thông tin vô giá”.
CIA tung đòn phản công các cáo buộc của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ
Theo lập luận của CIA, việc lấy được những thông tin quý giá đó bằng các biện pháp thẩm vấn bình thường khác là điều “không thể”, bởi đó không phải là cách moi thông tin từ những kẻ khủng bố.
Cơ quan tình báo này nhấn mạnh: “Không thể tưởng tượng được làm sao CIA có thể phá vỡ các âm mưu khủng bố khác, bắt thêm nhiều kẻ khủng bố, làm suy yếu al Qaeda mà không thu được thông tin từ tù nhân. Và những thông tin đó cũng không thể có được nếu không có các biện pháp thẩm vấn tăng cường”.
Bản báo cáo dày 500 trang về chương trình bắt giữ và thẩm vấn của CIA là kết quả của cuộc điều tra công phu kéo dài 5 năm do Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ tiến hành. Họ cũng đã kiểm tra bản cung khai của 20 tù nhân và kết luận rằng các kỹ thuật thẩm vấn tàn khốc của CIA không hề đưa ra những thông tin hữu ích.
Một dẫn chứng được Ủy ban Tình báo Thượng viện đưa ra là vụ thẩm vấn các tù nhân để chúng khai ra Abu Ahmed al-Kuwaiti, kẻ liên lạc của trùm khủng bố Osama bin Laden. CIA cho rằng danh tính tên Kuwaiti chỉ được tiết lộ sau khi các nghi phạm al Qaeda bị tra tấn bằng hình thức “trấn nước”, nhưng kết quả điều tra của Thượng viện lại cho thấy thông tin này đã được khai ra trước khi họ bị tra tấn.
Tuy nhiên, CIA lại cho rằng trong 20 trường hợp mà báo cáo của Thượng viện nêu ra, 11 tù nhân đã khai ra những thông tin tình báo rất giá trị sau khi bị tra tấn, 7 tù nhân khai ra thông tin quan trọng, và chỉ có 2 tù nhân cung cấp thông tin không có giá trị.
Dẫn chứng mà CIA đưa ra để “phản công” là trường hợp của Hassan Ghul, kẻ được coi là mấu chốt trong vụ bin Laden. CIA cho rằng tên Ghul chỉ khai ra danh tính của liên lạc viên al-Kuwaiti sau khi bị các nhân viên thẩm vấn của CIA áp dụng các biện pháp “tăng cường”.
"Trấn nước" là một biện pháp tra tấn thường được CIA áp dụng để moi thông tin từ nghi phạm khủng bố
CIA cũng phản bác cáo buộc cho rằng họ đã “quá tay” khi thực hiện chương trình tra tấn tù nhân bất chấp mệnh lệnh của các lãnh đạo Mỹ, và họ tuyên bố rằng chương trình này được thực hiện dưới sự phê chuẩn trực tiếp của các quan chức cấp cao trong chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush.
Một số nhà lãnh đạo Mỹ, chẳng hạn như cựu Tổng thống Bush và cựu Phó Tổng thống Dick Cheney đều đã thừa nhận sự liên quan của mình trong chương trình thẩm vấn, tra tấn của CIA, thậm chí ông Cheney đến nay vẫn tiếp tục công khai bảo vệ việc sử dụng biện pháp tra tấn.
CIA cho rằng cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã không tham vấn ý kiến của bất cứ quan chức nào trong cơ quan này, dù họ đã kiểm tra hàng triệu tài liệu, ghi chép và băng ghi âm, ghi hình trong suốt 5 năm qua.
Mặc dù đưa ra những lời phản công quyết liệt trên, CIA cũng nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng họ sẽ không lặp lại chương trình thẩm vấn khắc nghiệt như thời cựu Tổng thống Bush. CIA cũng nhất trí với nhiều kết luận trong báo cáo của Thượng viện, chẳng hạn như chương trình thẩm vấn này nhiều lúc đã không được báo cáo đầy đủ trước Quốc hội và Nhà Trắng.