Những ngày thường, dịch vụ vé chợ đen từ các “cò” cũng xuất hiện nhưng không nhiều, chỉ vài ba người có hàng quán trước ga tranh thủ kiếm thêm. Tuy nhiên, những ngày gần đây số lượng các “cò” vé tăng lên khá nhiều. Nhẩm đếm có hơn 20 “cò” thường xuyên túc trực tại khu vực quanh cổng ga, sẵn sàng tiếp cận khách có nhu cầu.
Loại vé nào cũng có
Sáng 10.12, chưa kịp ngồi xuống ghế tại một quán gần ga, chúng tôi được một phụ nữ hỏi: “Em cần về đâu? Có vé chưa?”. Nghe khách hàng than phiền về việc chờ đợi mua vé khó khăn, người này hùa vào: “Làm gì mua được, khó lắm. Chờ chi cho mất công”, sau đó người này nói luôn: “Em cần bao nhiêu vé, ngày nào chị đặt cho”.
Sau khi biết khách có nhu cầu về Huế ngày 26 tháng Chạp, người phụ nữ này lấy điện thoại gọi cho mối quen, có lẽ là người làm trong ga. Sau vài phút trao đổi, chị này quay sang nói: “Vé đi ngày 26 còn ghế cứng. Em đi thì chị nói họ đặt vé luôn. Tiền công đặt 250.000 đồng”. Thấy khách chê đắt, người này phân bua: “Chị chỉ kiếm mỗi vé 30.000 đồng thôi. Còn lại chia cho mấy người nữa chứ đâu có hưởng hết”.
Trong lúc đợi chúng tôi suy nghĩ thêm, người này tiếp tục chèo kéo một số khách từ ga chạy xe ra với vẻ mặt đăm chiêu. Đa số những người này vì đợi quá lâu hoặc đặt vé qua mạng, tin nhắn trễ nên chưa mua được vé. Ai cũng mong muốn có được một tấm vé để còn yên tâm làm việc những ngày còn lại trong năm. “Giá này rẻ lắm rồi. Nếu em mua cho 4 người thì chị bớt cho mỗi vé 10.000 đồng. Ăn thua ở số lượng nhiều chứ một hai vé không thấm vào đâu. Chỉ đủ tiền điện thoại thôi” - một “cò” vé ra sức thuyết phục khách.
Vé nào cũng đi được
Một thắc mắc mà chúng tôi và đa số những người mua vé tàu tết chợ “đen” là liệu những tấm vé này có hợp lệ, có tên và số chứng minh thư của mình hay không? Giải tỏa điều này, những “cò” vé đều khẳng định chắc nịch: “Vé của ga bán ra chứ của ai mà không cho đi. Vé chỉ ghi 3 số cuối của chứng minh thư, mấy ai quan tâm đâu. Cứ mang vé lên tàu thì yên tâm sẽ được đi. Năm nào chẳng vậy. Họ nói vậy thôi”.
Chúng tôi gọi cho “cò” L theo số điện thoại: 09083244XX để hỏi vé về Bỉm Sơn (Thanh Hóa) ngày 25 tháng Chạp. Sau 3 phút đợi, “cò” L nhanh chóng gọi lại thông báo chỉ còn vé đi ngày 27, hết ghế giường nằm, chỉ còn ghế ngồi cứng hoặc ngồi mềm. Tuy vậy “cò” L cho biết vé đặt tàu SE nên đảm bảo chạy nhanh, về đúng giờ, không chậm như TN, cứ yên tâm. Thấy khách không ưng với ngày mình đưa ra, “cò” L bảo đợi thêm một lát để xem tình hình trong đó báo ra như thế nào. Lát sau người này nói: “Giường nằm chỉ có từ ngày 28 thôi. Nếu đi 28 thì 30 tới. Nếu muốn có vé đi đúng ngày, đúng loại ghế thì đặt cọc trước 100.000 đồng. Đến ngày 16 tháng Chạp thì tới lấy. Tiền công chị lấy 240.000 đồng/vé”.
Một số “cò” sẵn sàng “nổ” khi con mồi có vẻ muốn mua vé về quê. Một người đàn ông cần về ga Bỉm Sơn, tàu SE6 không dừng tại ga này mà dừng ở ga Thanh Hóa. Tuy vậy, “cò” này vẫn khẳng định tàu sẽ dừng ở ga Bỉm Sơn và hối thúc khách mau đưa tiền đặt chỗ chứ không sẽ hết. Chúng tôi ghi nhận, chỉ vài giờ buổi sáng, hàng chục “cò” trước cửa ga đã chào mời thành công cho khách các loại vé. Nhiều “cò” gặp mối hời khi khách mua 4 vé, thậm chí 10 vé. Đối lập với vẻ mặt buồn lo của hành khách là sự tươi tỉnh khi làm ăn bội thu của những “cò” vé.