Dân Việt

Rào cản kỹ thuật ngày càng nhiều

Thiên Việt 24/12/2014 14:00 GMT+7
TS Lê Huy Khôi - Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công thương) đã chia sẻ với phóng viên Dân Việt xung quanh động thái dựng thêm hàng rào kỹ thuật đối với mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam của Liên minh Châu Âu (EU).

img

TS Lê Huy Khôi

TS Lê Huy Khôi cho biết:

Thủy sản là ngành có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của đất nước. Trong thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu to lớn. Tăng trưởng bình quân giá trị xuất khẩu giai đoạn 2003 - 2013 đạt trên 13%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 3 lần, đưa Việt Nam vươn lên nằm trong tốp 8 quốc gia hàng đầu thế giới. Thuỷ sản Việt Nam đã có mặt ở trên 156 quốc gia (EU là thị lớn nhất, tiếp đến là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...).

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt trên 6,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2012, chiếm trên ¼ tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp (6,7 tỷ USD/27,5 tỷ USD). Năm 2013, xuất khẩu của hầu hết các nhóm sản phẩm thủy sản đều giảm, chỉ có tôm và cá tra tăng trưởng so với năm trước (tôm đạt 3,1 tỷ USD; cá tra đạt 1,8 tỷ USD); còn lại xuất khẩu cá ngừ giảm 7,2%, mực, bạch tuộc giảm 10,8%, chả cá và surimi giảm 14%; cua ghẹ, giáp xác khác giảm 4,3%, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ giảm 5%. Trong 9 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD tăng 23%.

Trong 156 quốc gia nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, đến nay có 49 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 97 - 98% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam) đã dựng lên rào cản an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT) để hạn chế nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay ngành thủy sản vẫn đang phải đương đầu với những khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc phải vượt qua các rào cản phi thuế quan từ các nước nhập khẩu... Trong 156 quốc gia nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, đến nay có 49 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 97 - 98% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam) đã dựng lên rào cản an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT) để hạn chế nhập khẩu thủy sản của Việt Nam vào những quốc gia này.

 

Thưa ông, rào cản mà EU dựng lên đối với thủy sản hiện nay có ảnh hưởng như thế nào đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam?

- Đánh giá về các rào cản thương mại đối với mặt hàng thủy sản hiện nay cho thấy, tiêu chuẩn do EU áp đặt được xếp vào hàng các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới và khó đạt được nhất.

Nhìn chung, các biện pháp thuế quan thì rõ ràng, ổn định, dễ dự đoán, dễ đàm phán cắt giảm mức bảo hộ nhưng lại không tạo được rào cản nhanh chóng, tức thời. Biện pháp phi thuế quan thì đa dạng, đa dụng nhưng lại không rõ ràng và khó dự đoán, khó khăn tốn kém trong quản lý, Nhà nước không hoặc thu được ít lợi ích tài chính từ việc nghiên cứu và áp dụng các biện pháp này.

Thứ nhất, xu hướng chung trong việc sử dụng các rào cản thương mại đối với hàng thủy sản để bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu trên thế giới nói chung và EU nói riêng là chuyển từ các biện pháp hạn chế số lượng sang các biện pháp tinh vi hơn như: Chống phá giá, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về xuất xứ, nhãn hiệu, môi trường, lao động... Các loại rào cản phi thuế quan đối với hàng thủy sản Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là rào cản về an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT) và rào cản chống bán phá giá...

Thứ hai, các rào cản thương mại thủy sản nhập khẩu chủ yếu của EU áp dụng được được chia thành 3 nhóm chính:

- Các quy định về dịch tễ vệ sinh an toàn: Các quy định này được đưa ra để bảo vệ sức khỏe của người, vật nuôi và cây trồng (quy định của EU về dư lượng Ethoxyquin (ETQ) trong tôm nhập khẩu, hay thủy sản nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Trifluraline và dư lượng kháng sinh nhóm Quinolone. Nếu dự lượng ETQ vượt mức giới hạn cho phép, cảnh báo sẽ xem xét áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn với tôm Việt Nam, kể cả việc tạm đình chỉ nhập khẩu).

Các biện pháp đối với người tiêu dùng: Các biện pháp quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm bao gồm nhãn mác, đóng gói, thuốc trừ sâu, hàm lượng dinh dưỡng và tạp chất.

Các biện pháp thương mại: Các biện pháp được thực hiện nhằm ngăn chặn gian lận thương mại bao gồm các chứng từ vận chuyển và tài chính, các tiêu chuẩn nhận dạng và các tiêu chuẩn đo lường.

Thứ ba, dự báo xu hướng xây dựng và hình thành những rào cản phi thuế quan mới của EU trong thời gian tới là:

-Hệ thống kiểm tra chứng nhận thủy sản khai thác tự nhiên có khai báo, có kiểm soát (loại rào cản TBT).

-Điều tra chống bán phá giá có nguy cơ lặp lại.

-Các yêu cầu đối với việc lập danh sách những mặt hàng thủy sản lạm dụng lao động.

- Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).

- Yêu cầu nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn (như tiêu chuẩn chứng nhận và hạn chế hóa chất (REACH) và các quy định về các chất nguy hiểm trong sản phẩm và các yêu cầu về bao bì).

- Tuân thủ môi trường chặt chẽ hơn để hướng tới các sản phẩm “xanh”.

Các giải pháp của Việt Nam để vượt qua những “rào cản” này như thế nào, thưa ông?

img
Đã có 49/156 quốc gia và vùng lãnh thổ đã dựng " rào cản kỹ thuật" đối với tôm Việt Nam. Ảnh: T.L

- Một số giải pháp và kiến nghị cho các doanh nghiệp và hộ nông dân nhằm vượt qua các rào cản thương mại đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU như sau:

 

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện các hê thống SA-8000, tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường… theo đúng quy định quốc tế.

Thứ hai, chú trọng việc chuyển dịch thị trường xuất khẩu (ASEAN, Trung Quốc, Brazil, Colombia, Arab…) để hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào những thị trường xuất khẩu chính như EU, Mỹ, Nhật Bản; mở rộng thị trường dựa trên việc tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả của hệ thống đại diện thương mại.

Thứ ba, tham gia hệ thống chuyên môn và kiểm soát thương mại (Trade Control and Expert System -TRACES) trong cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU.

Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đánh bắt theo công nghệ cao trên thế giới và đáp ứng yêu cầu về chứng nhận thủy sản khai thác tự nhiên có khai báo, có kiểm soát.

Thứ năm, hướng tới phát triển các sản phẩm thủy sản “xanh”. Sản xuất các mặt hàng thủy sản theo công nghệ cao, sạch và thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển thủy sản một cách bền vững.

Thứ sáu, nâng cao năng lực nhận thức, đẩy mạnh các kênh thông tin và phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp, đặc biệt là bà con nông dân về các rào cản kỹ thuật thương mại của các nước và hướng dẫn cụ thể phương thức nuối trồng, khai thác đảm bảo yêu cầu chất lượng và có thể vượt qua được các rào cản này.

Thứ bảy, hỗ trợ kiểm tra, giám sát và xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn của thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, trong 10 năm (2003 - 2013), sản xuất thủy sản tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị: Tổng sản lượng tăng hơn 2 lần với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 9%/năm; tổng giá trị tăng 7,2 lần với tốc độ tăng trưởng bình quân 24,6%/năm.

Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt khoảng trên 6 triệu tấn, trong đó, khai thác đạt trên 2,7 triệu tấn, nuôi trồng đạt gần 3,5 triệu tấn ; 9 tháng đầu năm ước đạt 4,7 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kì năm trước (cá đạt 3,4 triệu tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 0,57 triệu tấn, tăng 14,8%).