Tăng cường bán hàng lưu động
Tết này, TP.Hà Nội tổ chức 200 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng thiết yếu kết hợp với các nhóm hàng phục vụ tết về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Bà Trần Thị Phương Lan-Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Xét về sức mua, người dân nông thôn thực tế còn mua sắm nhiều hơn so với thành thị vì dân số đông, hàng hóa lại khan hiếm trong khi bà con vẫn còn thói quen tích trữ hàng Tết”.
Ông Trương Chí Thiện-Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chuyên kinh doanh sản phẩm trứng cho biết, để tăng cường sức mua trong tháng cao điểm Tết Ất Mùi, công ty mở rộng thêm các điểm bán hàng lưu động ở các chợ truyền thống và vùng sâu vùng xa.
“Chúng tôi tập trung bán các sản phẩm tiện lợi, ví dụ như các loại trứng ăn liền, giá không cao quá 20% so với trứng thường. Chúng tôi chỉ lo không cung ứng kịp thời hàng cho bà con”-ông Trương Chí Thiện cho hay.
Còn tại Công ty Ba Huân, Phó Giám đốc Phan Thanh Hùng cho biết, năm nay Ba Huân không chỉ phân phối siêu thị, đại lý mà còn mở rộng thêm ở các chợ truyền thống và vùng sâu vùng xa với các chuyến hàng lưu động. “Công ty đẩy mạnh việc đưa hàng về chợ quê thông qua các chuyến hàng lưu động để người dân mua được hàng giá gốc, phù hợp với thu nhập”-ông Hùng nhấn mạnh.
Nguồn cung nông sản dồi dào
Tại khu vực phía Nam, nguồn hàng chuẩn bị cho Tết Ất Mùi được đánh giá là khá dồi dào. Sáng 11.12, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, sau một thời gian neo ở giá tốt, từ đầu tháng 12 đến nay, giá heo hơi tại vùng chăn nuôi Thống Nhất (Đồng Nai) đã giảm xuống mức 47.000 – 50.000 đồng/kg. Theo ông Đoán, từ giữa năm đến nay, giá heo ở mức có cao, có lợi cho người chăn nuôi nên nhiều người tăng đàn mạnh, hy vọng “hốt bạc” vào mùa tết.
Trong khi đó, ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty VISSAN cho biết, đơn vị này đã chuẩn khoảng 46.000 con heo thịt, 2.000 con bò và trên 4.000 tấn sản phẩm khác chế biến từ thịt heo. Đến nay, mức dự trữ hàng tết của doanh nghiệp này đã đạt hơn 80% kế hoạch.
Anh Đỗ Công Bình – Giám đốc Công ty CP Tứ Quý Đồng Tháp (Phú Thọ, Tam Nông, Đồng Tháp) cho biết, cơ sở này sản xuất các loại khô đặc sản của vùng sông nước miền Tây như khô cá sặc rằn, khô cá lóc, khô cá tra phồng… Năm nay, do vừa đầu tư lò sấy công nghiệp nên sản lượng khô các loại tăng từ 100kg/ngày thường lên gấp 3 lần trong dịp tết. Ngoài ra, cơ sở này cũng tăng cường khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện hút chân không 2 lớp bao bì, đảm bảo chất lượng của sản phẩm và tránh việc bị làm giả, làm nhái sản phẩm.
Thị trường thực phẩm tết năm nay còn có nhiều “ông lớn” mới góp mặt như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) khiến giá cả cạnh tranh hơn. Đại diện HAG cho biết, theo như kế hoạch, khoảng tháng 1.2015, doanh nghiệp này sẽ cung cấp đơn hàng bò thịt đầu tiên cho Vissan để giết mổ, cung cấp ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. “Hiện tại, mười mấy ngàn con bò thịt của HAG đang được vỗ béo tại Lào, Campuchia và ở Gia Lai để chuẩn bị cho mùa tết. Dự báo, giá bán của HAG sẽ rất hấp dẫn, cũng thể giảm hơn so với ngày thường”, một đại diện HAG khẳng định với NTNN.