Theo kinh nghiệm của Hội Sinh vật cảnh nhiều nơi, đầu tiên ta phải biết cách bón phân 3 tháng cuối cùng của năm. Trước tiên cần phân biệt sự khác nhau giữa phân vô cơ và hữu cơ. Phân vô cơ rễ cây chỉ hút chất dinh dưỡng vô cơ hòa tan trong nước, chất dinh dưỡng trong phân vô cơ lúc nào cũng có sẵn, còn phân hữu cơ phải có thời gian phân hóa thành các nguyên tố vô cơ thì rễ cây mới hấp thụ được.
Vì vậy, 3 tháng cuối năm nên dùng phân vô cơ để cây kịp phát triển. Đầu và cuối tháng 10, ta cần tăng cường kali nên dùng NPK 30-10-10 với liều lượng khoảng 3 muỗng canh cho một gốc mai (chậu cây 1m) để chắc bông, cây ra hoa bền, thân cứng cáp, chống đỡ được thời tiết bất thuận. Nếu nụ hoa kém phát triển ta cần xịt thêm KNO3 vào chiều tối với liều lượng 2 lần/tháng để tăng cường nụ hoa.
Ngoài ra cũng cần kết hợp yếu tố khác để tác động lên cây mai. Nếu thấy hoa trổ chậm tăng nước tưới, trổ nhanh thì giảm nước tưới. Cây mai sau khi lặt lá, các chồi non mọc ra làm cho hoa trổ chậm, trổ không đồng đều và màu sắc không tươi thắm. Nếu muốn hoa trổ nhanh thì cắt bỏ hết phần đọt non, còn trổ chậm thì giữ lại đọt non cho tới khi nào nụ hoa vừa tròn thì ta sẽ cắt hết đọt non để cho hoa trổ đúng và tập trung ra hoa đồng loạt.
Cần lưu ý khi đặt chậu mai, thấy bên nào có ánh sáng nắng ban mai trước 9 giờ sẽ làm hoa trổ nhanh và ngược lại. Cho nên muốn cây mai nở đều toàn diện thì ta phải thường xuyên xoay chậu để phía nào cũng có ánh sáng ban mai trước 9 giờ.
Đặc biệt thời kỳ lặt lá mai phải ngừng không dùng phân vô cơ tưới vào gốc hoặc phun lên nụ hoa. Vì cây mai lúc này không còn lá, không thể thoát nước nên nếu bón phân vô cơ cây sẽ bị ngộ độc và chết dần.