|
Loài bò sát đáng sợ này những năm gần đây được rất đông nông dân các tỉnh miền Tây nuôi. Trong đó phong trào nuôi rắn trong nhà hay thả lan trong vườn nhà phát triển mạnh. Theo nhận định của những người tham gia, mô hình này dễ làm, lại tiết kiệm chi phí đầu tư chuồng trại.
|
|
Rắn hổ hèo là loài đầu tiên được nông dân huyện An Phú – An Giang áp dụng nuôi trong nhà mang lại thành công. Hiện có hộ gia đình ở đây nuôi đến hàng nghìn con để xuất bán cho các tỉnh miền Tây và TP.HCM.
|
|
Ông Võ Văn Đở ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú nuôi gần 300 con rắn hổ hèo với chuồng đặt ngay trong nhà, cho biết, hổ hèo là loài rắn dễ nuôi, đầu ra lại ổn định. Năm 2006, ông mua 20 con giống có nguồn gốc từ Tây Ninh. Sau gần một năm chăm sóc, con lớn nhất nặng khoảng 1,5 kg, ông bán lứa đầu tiên lời trên 7 triệu đồng. Thấy mô hình đơn giản, dễ làm, ông phát triển mạnh cho đến nay.
|
|
Theo ông Đở, rắn nuôi trong nhà thông thường được thả trong hai loại chuồng: chuồng xi măng hoặc chuồng lưới. Nhưng với riêng ông thì chuồng lưới vừa vệ sinh sạch sẽ vừa dễ chăm sóc. Nếu chuồng có kích thước 3 x 2 m thì có thể nuôi từ 100 đến 150 rắn nhỏ và khoảng 50 rắn lớn.
|
|
Hiện đàn rắn nuôi trong nhà của gia đình ông Đỡ khoảng 600 con lớn nhỏ, mỗi năm bán rắn thịt và rắn giống thu về trên 150 triệu đồng.
|
|
Còn ông Phan Chiến Hải, ấp Thới Xuyên, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) đang nuôi hơn 300 con rắn lớn nhỏ, trong đó có hơn 120 con rắn bố mẹ, cho biết, phong trào nuôi rắn trong nhà phát triển rất mạnh, nên từ nuôi rắn thịt ban đầu, nay ông chuyển sang đầu tư lớn cho rắn giống.
|
|
Thùng gỗ hoặc xốp chứa cát là nơi ấp trứng rắn trong nhà. Rắn nuôi sau một năm sẽ tự phối giống và sau 34 ngày bắt đầu đẻ, mỗi lứa ít nhất từ 7 đến 10 trứng. Sau khi rắn đẻ xong, người nuôi cho tất cả trứng vào thùng này. Trứng sẽ nở rắn con sau 75 ngày, với tỷ lệ rất cao.
|
|
Hiện nay giá rắn giống 1 tuần tuổi ở mức 350.000 đồng/con; loại 1 tháng tuổi giá 400.000 đồng/con. Rắn thịt khoảng 700.000 đồng/kg.
|
|
Thông thường những hộ nuôi rắn trong nhà để bán thương phẩm thường chọn loại hiền, không có độc, song họ vẫn khẳng định, phải xây chuồng xi măng hay bao lưới nuôi để đảm bảo không cho rắn xổng ra ngoài.
|
|
Ngoài làm chuồng trong nhà, một hình thức "sống chung cùng rắn" của nông dân miền Tây là nuôi rắn trong hộc tủ. Ông Trần Văn Lèo, ở huyện Tri Tôn – An Giang mỗi năm cung cấp cho thị khoảng 400 con rắn từ 1,2 đến 2kg/con là một trong những hộ thành công với cách nuôi này.
|
|
Tủ nuôi rắn được ông Lèo dựng sát vách trong nhà. Mỗi chiếc tủ có chiều dài từ 2 đến 4 m, mặt sau được đóng kính, mặt trước ông chia ra thành nhiều hộc nhỏ có diện tích bằng nhau, với chiều ngang 30 cm, chiều sâu 50 cm. Mỗi hộc tủ có cánh cửa mở, đóng đàng hoàng là nơi ở riêng biệt của mỗi con rắn. Ngoài tiết kiệm diện tích thì cách làm này giúp người nuôi dễ nhận biết bệnh tật của vật nuôi để điều trị, không để lay lan. |
|
Một số hộ có diện tích vườn rộng lại chọn hình thức nuôi bán hoang dã, bằng cách xây tường xi măng bao quanh vườn rồi thả rắn bên trong. Cách nuôi này có ưu điểm giúp rắn mau lớn, vì chúng có thể tự săn bắt mồi như sống trong môi trường tự nhiên.
|
|
Ông Chau Sóc Kim, người dân tộc Khmer, ở ấp An Thuận, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn – An Giang là người đầu tiên nuôi rắn theo mô hình bán hoang dã, với 4 loại không nọc độc là hổ ngựa, hổ hèo, hổ hành và rắn lãi. Mỗi năm doanh thu từ nuôi rắn của gia đình ông Kim đạt trên 500 triệu đồng.
|
|
Với anh Phan Thanh Tuyền, ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ), do nhà ở phố đất chật, anh đã chọn cách nuôi rắn ri voi trong lu, hũ, thùng... Gần 100 con rắn ri voi được nuôi mỗi năm đem lại cho anh nguồn thu gần 200 triệu đồng.
|
|
Một số ít người có kinh nghiệm lâu năm "sống chung cùng rắn" đã chọn cách thả nuôi rắn cực độc như hổ mang chúa, vì loài này có giá trị rất cao. Anh Lê Văn Nhơn, ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên – An Giang đang nuôi 15 con rắn hổ mang chúa, bình quân nuôi 1,5 -2 năm, mỗi con sẽ đạt trọng lượng từ 1,3-1,7kg. Giá bán loài này được các nhà hàng thu mua từ 1,2 -1,5 triệu đồng/kg.
|
Ông Huỳnh Hiệp Thành, giám đốc trung tâm Khuyến nông An Giang: “Qua nhiều năm phát triển, phong trào nuôi rắn hổ hèo (còn gọi là rắn Song Xưa, Ráo Trâu) dạng nông hộ ở An Giang hiện đang phát triển rất mạnh. Đây là mô hình mới mang lại hiệu quả rất cao vì suất đầu tư thấp, do không tốn nhiều diện tích xây dựng chuồng trại, nguồn thức ăn dễ tìm trong thiên nhiên như cóc, nhái, chuột…. Rắn cũng là loài vật nuôi ít dịch bệnh, sống khỏe, mau lớn, trong vòng một năm có thể xuất bán, giá trị thương phẩm cao. An Giang hiện có khoảng 100 hộ nuôi rắn giống và rắn thương phẩm cho thu nhập ổn định. Nghề nuôi rắn còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người khác lúc nông nhàn. Đó là những người tham gia bắt chuột bán làm thức ăn cho rắn, làm giảm đáng kể nạn 'giặc chuột' phá hoại mùa màng".