Dân Việt

"Liều" mượn đất rừng lập trang trại làm giàu

Trần Văn Đức 13/12/2014 13:51 GMT+7
Từ một gia đình có điều kiện kinh tế rất khó khăn, năm 1996, anh Vi Văn Dũng – dân tộc Thái, sinh năm 1964, ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã mạnh dạn đứng ra nhận 1,8ha rừng sau nhà, và 7,44ha ở khu vực cách nhà 1km - nơi mà nhiều người không dám nhận vì thấy toàn cỏ dại, rừng thưa.

img
Đàn bò của anh Vi Văn Dũng.
Trên mảnh đất trang trại hơn 7ha ấy, vợ chồng anh quy hoạch theo mô hình tổng hợp vườn, ao chuồng, rừng, với 5.420m2 đất ruộng lúa bậc thang, 500m2 ao cá, 500m2 đất trồng các loại rau, 1,8ha trồng các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, muỗng, ổi, cỏ voi… còn lại là diện tích hơn 5ha đất rừng vừa khoanh nuôi, bảo vệ vừa trồng thêm một số cây lấy gỗ. Để thuận lợi cho đi lại và vận chuyển hàng hóa anh đã mở gần 200m đường đi lại được bằng xe máy, ngăn khe suối đầu tư mua hơn 1.000m ống nhựa dẫn nước về phục vụ sản xuất và chạy máy phát điện… Đất không phụ công người, đến nay gia đình anh đã có đàn gia súc 20 con bò, 10 con lợn đen bản địa; đàn gà luôn duy trì hơn 100 con, ao cá 500m2, khu rừng bảo vệ đã có 20 cây gỗ đinh hương, 300 cây săng lẻ, 300 cây xoan từ 5 - 7 tuổi đang đến kỳ cho thu hoạch.

Nhờ siêng năng và biết cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, nên các loại cây, con trong trang trại phát triển tốt. Mỗi năm đàn bò sinh sản khoảng 10 bê con, bán ra được khoảng 60 - 70 triệu đồng, thu về từ đàn lợn 10 triệu đồng năm. Các loại cây ăn quả, rau, cá cũng góp thêm thu nhập cho gia đình anh… Tính cả dịch vụ cày đất, xay xát lúa, nghiền bột gia súc của gia đình, thu nhập của gia đình anh đạt 130 -150 triệu đồng/năm. Không chỉ giỏi làm ăn, với cương vị Chi hội trưởng Hội Nông dân bản Hòa Sơn, anh Dũng tham gia tích cực các hoạt động xã hội vận động bà con phát huy ý chí tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xóa bỏ dần phong tục tập quán lạc hậu trong đời sống và sản xuất như ma chay, cưới hỏi, di dời gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, biết ứng dụng các tiến bộ khoa học vào làm ăn, giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hoá tốt đẹp của địa phương.