Thiên thạch 1998 QE2 là một tiểu hành tinh gần Trái đất có đường kính 2,75 km, được phát hiện vào ngày 19.8.1998 bởi Chương trình nghiên cứu tiểu hành tinh gần Trái đất Lincoln (LINEAR).
Thiên thạch khổng lồ 1998 QE2. Ảnh: Arecibo Observatory. |
QE2 vừa bay qua Trái đất hôm 1.6 với khoảng cách gần hành tinh của chúng ta nhất là 5,7 triệu km, tương đương 15 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng. Thiên thạch này đã không gây nguy hiểm nào cho Trái đất.
Được biết, sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học tin chắc rằng QE2 thuộc lớp thiên thạch hoàn toàn mới mà họ không có mẫu và rất ít dữ liệu liên quan. Nó không giống với bất kỳ thiên thạch nào từng tiến sát đến Trái đất cũng như các thiên thạch đã được các nhà khoa học nghiên cứu trước đây.
Tiến sĩ Ellen Howell ở Đài quan sát Arecibo trên đảo Puerto Rico, cho biết: "Tiểu hành tinh QE2 rất tối, màu đỏ, và nguyên thủy – nghĩa là nó không được làm nóng hoặc tan chảy nhiều như các tiểu hành tinh khác suốt quá trình di chuyển trong vũ trụ. Nó không giống bất kỳ thiên thạch nào tôi từng biết trước đây".
Các nhà khoa học đã dùng kính thiên văn radio Arecibo để quan sát thiên thạch 1998 QE2. Ngoài nhiệm vụ chính là máy thu nhận tín hiệu, Arecibo còn phát đi các sóng vô tuyến mạnh tới các tiểu hành tinh và quan sát sóng phản xạ trở về Trái đất. Nhờ đó các nhà khoa học có thể biết được hình dạng của các tiểu hành tinh một cách chi tiết hơn.
Ưu điểm của việc sử dụng radar trên kính thiên văn quang học này là không cần chiếu sáng các đối tượng nghiên cứu nhưng vẫn nhận biết được các đặc điểm của chúng, các vết lồi, lõm, miệng núi lửa và tất cả các dấu hiệu khác.
Tuấn Anh