Theo hãng tin BBC, trong số 113 người được đưa ra (không gồm các trường hợp mất tích ngắn hạn hoặc các trường hợp không được nêu vì những lý do an toàn) thì có tới gần 1/5 là những cái tên Việt Nam, mặc dù cộng đồng người Việt ở đây chiếm chưa tới 0,1% dân số toàn nước Anh.
Người ta tin rằng hầu hết các trường hợp đều được các băng đảng đưa lậu vào Anh, bị cảnh sát phát hiện và đưa vào các trung tâm chăm sóc. Các em rõ ràng là không bỏ trốn khỏi những kẻ bắt giữ mình, mà còn thường trốn khỏi các gia đình nhận nuôi dưỡng mình và các trung tâm chăm sóc để trở lại với những kẻ đó, nhằm tìm cách trả các khoản nợ lớn và nhằm để gia đình ở Việt Nam khỏi bị trả thù.
Theo tìm hiểu của hãng tin BBC, Văn- một cậu bé người Việt 15 tuổi, mà dường như được đăng tải trên trang mạng trẻ mất tích dưới một cái tên khác, đã được đưa lậu vào Anh bằng xe tải và đã bị buộc phải giúp việc nhà cho những kẻ đã đưa cậu vào. Sau đó, cậu được đưa vào làm "thợ vườn" ở một số trại trồng cần sa trên cả nước. Văn nói cậu thường bị đánh tại một trong các căn nhà trồng cần sa, nhưng đã trốn thoát hồi đầu năm 2012.
Các nhà máy sản xuất thường được đặt trong các căn nhà ở khu dân cư, hầu như đều hoạt động ở mô hình nhỏ nhằm tránh bị phát hiện. Hệ thống đèn chiếu sáng mạnh cùng hệ thống phun tưới nước giúp cây tăng trưởng nhanh, và các thiếu niên như Văn thường bị nhốt trong các căn nhà như vậy.
Các vụ cảnh sát thu giữ cần sa tăng mạnh, từ khoảng 3.000 vụ trong năm 2004 lên trên 16.000 vụ trong 2011. Điều này giải thích vì sao ngày càng có nhiều thanh thiếu niên từ Việt Nam tìm đường sang Anh. Các đầu mối tại Việt Nam thì hứa hẹn các em sẽ được đi làm, đi học ở Âu châu. Thậm chí có nhiều trường hợp, cha mẹ các em đã bán nhà cửa đi để có thể cho con sang Anh.
Tuy nhiên, các em tới Anh gánh theo khoản nợ có thể lên tới 15.000 bảng, chưa kể tiền lãi thêm nữa. Những em bé này không dám bỏ trốn bởi bọn buôn người thường đe dọa sẽ xử lý các em hoặc gia đình các em ở Việt Nam.
Theo thống kê, năm 2012, có 96 thiếu niên người Việt đã được chuyển tới cho cơ quan quản lý tình trạng buôn bán người của chính phủ, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều đối tượng được cho là nạn nhân ở tuổi vị thành niên nhất tại Anh.
Tội buôn bán trẻ em không phải là loại tội phạm phổ biến ở Anh, tuy hiện đang có một thách thức pháp lý nhằm ngăn chặn loại hình tội phạm này.
Hiện đang có những lời kêu gọi nhằm để toàn bộ các đối tượng, sau khi đã được xác định là nạn nhân thì sẽ được cử người giám hộ và người này sẽ chịu trách nhiệm pháp lý cho các em. Tuy nhiên, các nhà xã hội học và các chuyên gia về cứu trợ trẻ em cho rằng, những gì làm được cho đến nay vẫn chưa đủ và cần phải nỗ lực hơn nữa.
Quang Minh