Dân Việt

Giờ phút tuyệt vọng cuối cùng của kẻ bắt con tin Úc

Trí Dũng 16/12/2014 16:00 GMT+7
Cảnh sát đã cố tình kéo dài thời gian thương thuyết, đồng thời bác bỏ tất cả những yêu sách của kẻ bắt cóc, khiến hắn ta càng lúc càng tuyệt vọng hơn.

Cuộc khủng hoảng con tin ở thành phố Sydney, Úc đã kết thúc sau hơn 16 giờ đối đầu căng thẳng với 3 người chết, trong đó có tay súng đơn độc đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả nước Úc nhưng lại không có bất cứ mối quan hệ rõ ràng nào với các tổ chức khủng bố quốc tế.

Tay súng đơn độc này được xác định là Man Haron Monis, một giáo sĩ tự xưng gốc Iran, người có hồ sơ đầy những tiền án tiền sự và không hề xa lạ gì với lực lượng an ninh Úc. Sau khi cuộc đột kích kết thúc vào rạng sáng nay, những giờ phút tuyệt vọng cuối cùng của giáo sĩ tự xưng này cũng dần dần được tái hiện.

img

Kẻ bắt cóc Man Haron Monis đã bị cảnh sát tiêu diệt trong cuộc đột kích

Buổi sáng đẹp trời ngày 15/12, khoảng 17 người đang thích thú thưởng thức ly cà phê bên trong cửa hàng Lindt ở con phố nhộn nhịp Martin Place thì một người đàn ông rậm râu mang ba lô bước vào. Kể từ lúc đó, mọi thứ thay đổi nhanh chóng.

Cảnh sát cho biết Monis đã rút từ trong ba lô ra một khẩu súng săn và đe dọa mọi người. Trên đầu anh ta là một dải khăn viết một dòng chữ Arab, và anh ta ép 2 con tin trưng một lá cờ màu đen in chữ trắng lên cửa sổ tòa nhà.

Luật của Úc quy định rất chặt chẽ về việc sở hữu súng, và chỉ những người có “lý do đích thực” như tham gia câu lạc bộ săn bắn hay phục vụ công việc mới được cấp giấy phép sở hữu súng. Bởi vậy, Monis chỉ có trong tay một khẩu súng săn bắn đạn chùm chứ không phải súng trường, mặc dù một số người nói rằng anh ta còn mang theo một thanh mã tấu.

Ngay lập tức, cảnh sát đổ đến bao vây quanh tòa nhà, phong tỏa toàn bộ con phố Martin Place và những tuyến phố xung quanh, sơ tán những người làm việc ở các tòa nhà xung quanh.

img

Quán cà phê Lindt, nơi diễn ra cuộc khủng hoảng con tin suốt 16 giờ

Bên trong quán cà phê, Monis đang tìm mọi cách để buộc các cơ quan truyền thông Úc đăng tải thông điệp mà ông ta đưa ra, đó là: “Theo kinh Koran, nếu chúng ta phản đối một chương hay một quy định trong kinh Koran, chúng ta không còn là người Hồi giáo nữa. Thành viên của phái ‘Hồi giáo Ôn hòa’ không phải là người Hồi giáo”.

Thế nhưng tất cả các cơ quan truyền thông Úc đều từ chối đăng tải thông điệp trên và cũng không đáp ứng các yêu cầu của ông ta, khiến Monis càng lúc càng tức giận và tuyệt vọng. Website do ông ta điều hành để đăng tải các thông điệp mang tính cực đoan về Hồi giáo cũng nhanh chóng bị nhà chức trách xóa bỏ.

Monis bèn chuyển sang chiến thuật khác, đó là bắt các con tin tự quay phim bằng điện thoại di dộng về những gì đang diễn ra bên trong quán cà phê và đăng lên mạng xã hội. 4 đoạn video lần lượt xuất hiện trên trang YouTube, và Monis cũng ép các con tin phải đăng lên Facebook của họ để thông điệp của hắn được truyền tải rộng rãi hơn.

Thế nhưng những video này cũng nhanh chóng bị nhà chức trách gỡ xuống hoặc xóa bỏ. Trong một đoạn video, một con tin nữ đã đưa ra nhiều yêu sách theo yêu cầu của kẻ đang dùng súng khống chế mình.

img

Cảnh sát kiên quyết bác bỏ mọi yêu sách mà Monis đưa ra

Trong một video khác, contin Julie Taylor trích dẫn một loạt yêu cầu của Monis để đổi lại việc thả con tin. Phía sau cô là một con tin khác đang cầm lá cờ đen, và yêu sách mà Monis đưa ra là được gặp Thủ tướng Úc, đồng thời đòi các chính trị gia Úc công nhận đây là một vụ tấn công khủng bố của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

Nhà chức trách Úc đã không đáp ứng bất cứ yêu sách nào mà Monis đưa ra.

Các chuyên gia chống khủng bố cho rằng Monis đã thực hiện vụ tấn công bắt con tin này mà không hề chuẩn bị kế hoạch chu đáo, và dường như ông ta không nắm được có tất cả bao nhiêu con tin trong tay mình. Chính điều đó cũng khiến các chuyên gia thương thuyết của cảnh sát gặp nhiều khó khăn khi đàm phán với ông ta.

Nhiều giờ đồng hồ trôi qua, và không khí náo loạn trên khu phố Martin Place dần lắng xuống khi đêm đến. Đám đông người tò mò theo dõi vụ bắt cóc vào ban ngày đã tản mát gần hết, và chỉ còn các phóng viên cũng như cảnh sát tại hiện trường.

Trong khi đó, các chuyên gia thương thuyết lại cố tìm cách kéo dài thời gian để các điều tra viên có thể xác định được đối tượng mà họ đang phải đối phó là ai, đồng thời vạch ra kế hoạch giải cứu và khiến cho kẻ bắt cóc trở nên mệt mỏi và tuyệt vọng hơn.

img

Những bông hoa tưởng niệm các con tin thiệt mạng trong cuộc đột kích

Tình hình chuyển biến mau lẹ vào lúc 2 giờ sáng, khi kẻ bắt cóc có vẻ như đã mất hết kiên nhẫn, và cảnh sát nghe thấy tiếng súng nổ trong quán cà phê. Đúng lúc đó, cảnh sát đặc nhiệm tràn vào tòa nhà từ hai hướng, ném lựu đạn choáng và những tiếng súng liên tiếp vang lên.

Andrew Balfe, một du khách 18 tuổi chứng kiến vụ việc cho biết: “Thật đáng sợ, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy một vụ giải cứu con tin kịch tính như thế này. Những tiếng súng rộ lên liên tiếp, khiến cả căn phòng sáng rực lên”.