Trong quá trình chăm sóc dựa vào đặc tính của từng giống, căn cứ vào điều kiện nhiệt độ, điều kiện chăm sóc và tình hình sinh trưởng phát triển của cây mà có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp và kịp thời. Nếu cây có biểu hiện sinh trưởng phát triển chậm, cần phải xem xét kỹ các yếu tố: thiếu phân bón, nhiệt độ, ánh sáng không thích hợp ... để có biện pháp tác động thích hợp.
1. Biện pháp điều chỉnh hoa nở sớm
* Tưới nước
Để điều chỉnh cho hoa loa kèn nở sớm có thể dùng biện pháp tưới phun nước ấm lên cây hoa nhằm tăng nhiệt. Nếu quần thể cây sinh trưởng mạnh, chậm phân hoá mầm hoa và vươn hoa, dự tính sẽ nở muộn so với thị trường thì phải hãm khô, ngừng cung cấp nước đột ngột.
Điều khiển hoa nở bằng tưới nước.
* Bón bổ sung phân
Bón phân cho hoa loa kèn cần đầy đủ và cân đối. Nếu bón thiếu cây sẽ bị còi cọc và hoa nở màu sắc nhợt nhạt, dễ bị sâu bệnh phá hoại. Nếu bón thừa phân thân cây sẽ vống cao, lá nhiều, dễ bị đổ, khả năng chống chịu kém.
Để xúc tiến sự phân hóa nụ hoa, đồng thời bón thêm phân lân và tưới axit boric, làm cho chồi hoa phân hoá nhanh hơn, sau đó tiến hành tưới nước bình thường sẽ khôi phục sự hút nước và chỉ vài ngày sau là hoa nở.
Ở giai đoạn phân hoá mầm hoa và vươn hoa, nếu bón tăng lượng đạm sẽ làm thời gian nở hoa chậm lại.
Chú ý, những cây sinh trưởng phát triển kém có thể bón thúc nhiều hơn để quần thể hoa đồng đều, nở sớm hơn.
* Phun chất kích thích sinh trưởng
Chất kích thích có tác dụng kích thích và ức chế sinh trưởng. Như chất Gibberelin có tác dụng kích thích ra hoa, nụ hoa sinh trưởng nhanh hơn, có thể làm cho hoa nở sớm. Khi nụ hoa loa kèn phình lên phun 100 x 106 - 100 x 10-6 axit napthalen, axit indolic, đều có thể tăng hiệu quả nở hoa, hoa nở nhanh rõ rệt.
Nếu kết hợp cả tăng nhiệt độ và phun chế phẩm Đầu trâu 902 có thể rút ngắn thời gian sinh trưởng của loa kèn khoảng 8 ngày, qua đó có thể điều khiển nở hoa của loa kèn vào đúng dịp mong muốn.
Khi sử dụng chất kích thích sinh trưởng cần chú ý thời điểm phát triển của cây hoa, mục đích cần đạt được để điều chỉnh liều lượng, nồng độ cho phù hợp. Riêng đối với loại thuốc GA3 thường dùng đẩy nhanh tốc độ vươn ngọn, cần chú ý không dùng muộn, hoặc dùng liều lượng cao quá sẽ làm cho nụ hoa bị biến dạng méo mó và vỡ nụ.
2. Biện pháp điều tiết cho hoa nở muộn
Phun chất kích thích sinh trưởng
Chất điều hòa sinh trưởng thực vật, trước hết đó là các chất có thể làm kích thích hoặc kìm hãm sinh trưởng xuất phát từ các loại cây.
Các chất có khả năng kìm hãm sinh trưởng, ABA (Abscisic acid); Ethophone (2- chloroethyl), Phosphonic acid; Ethylen.
Giảm nhiệt độ trong nhà che
Nhiệt độ không chỉ ảnh hưởng đến sự phân hoá và phát dục của hoa mà còn ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của nụ. Nụ đã được phân hoá gặp nhiệt độ thấp quá trình sinh trưởng sẽ bị chậm nên hoa cũng nở muộn.
Biện pháp giảm tốc độ sinh trưởng, phát dục: Muốn kéo dài thời gian sinh trưởng của loa kèn cần tổng hợp các biện pháp hạ nhiệt độ:
- Giảm ánh sáng bằng cách che nắng.
- Phun hơi nước để hạ nhiệt (cách 30 - 60 phút thì phun 5 - 10 lần).
- Quạt gió và hơi lạnh vào nhà.
- Hạn chế tưới nước
Nếu quần thể cây sinh trưởng kém, có thể biểu hiện ra hoa sớm, cần bón tăng lượng đạm, tưới phân hữu cơ và đảm bảo đầy đủ nhu cầu nước của cây để làm chậm quá trình nở hoa.