Ảnh minh họa |
Trao đổi với NTNN, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - ông Trương Đình Hòe cho rằng, mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản với nông dân hiện nay cũng chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin thị trường, giá cả.
Ông Hòe cho biết, ngành cá tra hiện nay, các doanh nghiệp đã tự tổ chức vùng nuôi, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu nguyên liệu. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm cũng phát triển vùng nguyên liệu với quy trình nuôi khép kín nhằm quản lý được các rủi ro do kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm xuất khẩu từ đầu vào; đồng thời qua đó, đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu ngày càng tốt hơn, theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
“Nghĩa là những hộ nông dân nuôi tôm, cá tự do hiện nay phải tự thân vận động trong việc tiêu thụ sản phẩm họ làm ra?”. Với câu hỏi này, ông Hòe cho rằng: Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn liên quan đến cung - cầu thị trường. Rõ ràng là doanh nghiệp mà không có nguồn nguyên liệu thì không thể sống được, tuy nhiên, để phát triển, các doanh nghiệp phải tìm đơn vị cung cấp nguyên liệu tốt nhất cho mình. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân phải xuất phát từ nhu cầu của cả hai phía.
Trên thực tế, khi nông dân sản xuất ra sản phẩm, nếu đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp và đồng ý với mức giá của doanh nghiệp thì “thuận mua, vừa bán”. Bản thân doanh nghiệp khi thấy rằng cần phải có những mối liên kết cụ thể với nông dân, họ sẽ tiến hành hợp tác. “Hiện tại, diễn biến mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nuôi không có gì bất ổn, do đó, theo tôi không nhất thiết phải đưa ra các yêu cầu khác về mặt văn bản, hành chính trong hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp” - ông Hòe nói.
Tổng Thư ký VASEP cho rằng, tính về lâu về dài, doanh nghiệp sẽ còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu, do đó, doanh nghiệp và người nuôi cũng phải ngồi lại, bàn tính chuyện hợp tác và không để tình trạng nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch chung.
Thuận Hải (ghi)