Sáng chế rồi… cất
Xuất thân từ một gia đình nông dân, anh Nguyễn Hoàng Phi (ngụ xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang) luôn có mong muốn nghiên cứu ra một loại máy móc có thể cải thiện quy trình phun thuốc trừ sâu cho bà con nông dân. Sau một năm mày mò lên ý tưởng, thiết kế, thu thập các linh kiện để lắp ráp, anh Phi đã cho ra đời chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa với nhiều tính năng vượt trội. Theo đó, máy giúp người dùng có thể giảm bớt các thao tác, tạo sự tiện lợi, nhanh chóng và nhất là hạn chế được việc tiếp xúc với các chất độc hại trong thuốc bảo vệ thực vật. Dù có một vài chi tiết chưa thực sự ưng ý, nhưng chiếc máy của anh Phi đã được rất nhiều nông dân ưa thích và đặt mua vì có thể hoạt động 8 giờ/ngày, phun được 1.600 lít dung dịch chỉ với khoảng 2,5 lít xăng.
Khi được hỏi tại sao không tìm hỗ trợ từ cơ quan chức năng để tiếp tục sản xuất, anh Phi cho biết đã từng làm hồ sơ gửi lên Sở KHCN tỉnh và được hỗ trợ 25 triệu đồng cho 10 chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa. Tuy nhiên, do chỉ đủ tiền đối ứng làm 6 chiếc máy nên cuối cùng anh Phi được giải ngân một khoản hơn 10 triệu đồng. “Muốn thương mại hóa công trình này tôi phải có khoảng 1 tỷ đồng để xây xưởng chế tạo, lắp ráp đạt tiêu chuẩn về chất lượng, có thể bảo hành cho nông dân khi có sự cố, hỏng hóc. Tuy nhiên, số tiền đó vượt quá khả năng của bản thân nên dù rất tâm đắc, tôi cũng phải dừng lại” - anh Phi nói thêm.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Hồng Thiện, chủ cơ sở máy gặt đập liên hợp Tư Sang ở khu phố Cầu Xéo, xã Hậu Thành (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết hiện đang phải hoạt động cầm chừng vì máy tiêu thụ rất chậm. Năm 2013 ông bán được hơn 30 máy gặt đập liên hợp do mình chế tạo, nhưng năm nay mới bán được hơn chục chiếc, thu không đủ chi. Nói về sáng chế của mình, ông Thiện thở dài: “Trước đây tôi từng làm dịch vụ suốt lúa cho bà con và đã ấp ủ ý tưởng làm máy gặt đập liên hợp từ lâu, dù tôi chưa phải đi vay vốn hoặc lâm vào cảnh nợ nần như những người khác, nhưng tôi thấy làm ông nông dân sáng chế cực quá là cực. Suốt mấy năm trời mày mò nghiên cứu, bỏ ra rất nhiều tiền để mua vật liệu mới làm ra cái máy ưng ý, nhưng khi tìm gặp các cơ quan chức năng trình thì vô cùng nhiêu khê, gần như không ai quan tâm”.
Sau nhiều lần trình bày, đề nghị, tới năm 2008 Sở KHCN tỉnh mới đồng ý hỗ trợ ông Thiện hơn 100 triệu đồng để hoàn thiện thiết kế máy gặt đập liên hợp. Từ ngày đó cho tới nay, có bao nhiêu tiền ông Thiện sản xuất bấy nhiêu, và mặc dù máy của ông chỉ khoảng 300 – 400 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn máy nhập ngoại, nông dân rất thích nhưng cũng vì cái “mác” nông dân nên chưa hề có doanh nghiệp nào đoái hoài đến.
Lãng phí chất xám
Nhiều sáng chế khi ra đời, dù được giới chuyên môn đánh giá cao, đoạt giải thưởng tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật nhưng sau đó vẫn phải cất kho vì nông dân… hết tiền, còn ngành chức năng và doanh nghiệp thì thờ ơ xem nhẹ, dẫn đến lãng phí chất xám cho cả tác giả và xã hội. Theo một thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN), liên quan đến những sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp, cả nước có khoảng 120 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, trong đó khoảng 70% bằng thuộc sở hữu cá nhân. Tuy nhiên, rất nhiều bằng sáng chế sắp hết thời hạn bảo hộ mà vẫn chưa được khai thác, sử dụng.
TS Phạm Văn Tấn - Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch miền Nam thừa nhận, hiệu quả từ những sáng chế của nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp là rất đáng kể. Rất nhiều vấn đề chỉ có nhà nông gắn bó hằng ngày, gần gũi với thực tiễn cuộc sống nên họ mới nhận ra, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả, có tính ứng dụng cao, còn các nhà khoa học ở viện, trường “ngồi văn phòng máy lạnh” thì không thể nắm rõ được.
“Tuy nhiên, “kho vàng” đó có được đánh thức hay không và được đánh thức như thế nào, thì còn phải trông đợi vào các giải pháp của nhiều ban ngành liên quan và sự vào cuộc của doanh nghiệp. Cái khó của nông dân hiện nay là dù bỏ nhiều công sức, tiền của để sáng tạo, nhưng sáng chế của họ chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, không thể phát triển thành đề tài khoa học, hoặc các dự án để nhận được hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Do đó, nhiều nông dân sau một thời gian bán nhà bán đất để đầu tư vào chế tạo nông cụ cũng phải ngừng lại, vì không đủ lực” – TS Tấn cho biết.
Ông Trịnh Văn Sơn – Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Trường Thành (thành viên Câu lạc bộ ươm tạo và thương mại hóa công nghệ VTIN) – đơn vị đã có công kết nối với nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với các nhà sáng chế - cho biết: “Thông qua chương trình Sáng tạo Việt, chúng tôi đã giúp hàng chục sáng chế của nông dân đến với doanh nghiệp, nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm đã được kết nối, song đáng tiếc là chưa có sự tham gia đầu tư chính thức nào từ phía doanh nghiệp, chủ yếu họ vẫn e ngại không có lợi nhuận”.
Việc những nhà sáng chế là “Hai Lúa” ở nước ta đã không còn là chuyện hiếm. Chính nhờ những phát minh, sáng kiến của họ mà đã góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng cũng như sản lượng nông sản... n
Điều đáng buồn là chúng ta vẫn thiếu những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho những phát minh, sáng chế đó có cơ hội phát triển. Đặc biệt, tâm lý sính bằng cấp, học hàm học vị đã khiến nhiều nơi, nhiều ban ngành không đánh giá đúng công trình sáng tạo của nông dân và bỏ qua đóng góp của họ.
Có lẽ về điều này, chúng ta cần xem việc sử dụng chất xám của Campuchia khi đã mạnh dạn đặt hàng cha con ông Trần Quốc Hải ở Tân Châu (Tây Ninh) sửa chữa, chế tạo xe bọc thép cho quân đội nước này; thậm chí họ còn trao tặng Huân chương Đại tướng quân và nhiều biệt đãi về nhà ở, chế độ sinh hoạt… để mời cha con ông sang Campuchia làm việc. Bản thân ông Hải thừa nhận, ông đã cải tiến nhiều loại máy nông nghiệp rất có ích cho sản xuất, không chỉ được tiêu thụ trong nước mà khách hàng ở Lào, Campuchia cũng rất thích.
Nhưng thành công của ông chủ yếu đến từ những đơn đặt hàng của nông dân, còn về phía ngành chức năng, tỉnh Tây Ninh cũng từng đặt hàng ông chế tạo máy nhổ củ mì, máy thu hoạch mía, song khi hoàn tất thì lại gặp “trục trặc” bởi các thủ tục hành chính nhiêu khê, cơ quan chức năng thờ ơ với việc thử nghiệm, nghiệm thu cũng như hỗ trợ vốn nghiên cứu chế tạo.