Ngày 17.12, thêm một ngày chứng kiến đà lao dốc chóng mặt của đồng rúp trên thị trường khiến dư luận không tin động thái tăng hơn gấp rưỡi lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga có thể cứu được tỷ giá.
Nước Nga không châu Âu
Diễn biến khủng hoảng lớn nhất của Nga năm 1998 khi đó đồng rúp cũng mất giá kỷ lục, nhưng chỉ diễn ra trong vòng hơn một tuần lễ. Nhưng nay, biến động tiền tệ đã bắt đầu từ cách đây 3 tháng và sẽ còn kéo dài không thể lường trước được.
Đêm 16.12, một số điểm giao dịch tiền tệ đã không có đồng đô la để bán ra, hoặc có thì cũng bán ra với giá rất cao, đã tạo ra một tâm lý hoảng loạn cho giới kinh doanh. Với những diễn biến bất thường này, giới chuyên gia dự đoán rằng, tháng 1.2015, Nga sẽ rơi vào suy thoái. Mặc dù giá đô la tăng kinh khủng như vậy, nhưng đời sống người dân Nga không bị xáo trộn nhiều. Một số mặt hàng tăng giá nhẹ từ 5-8%, nhưng mức tăng như vậy cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến người Nga. Trong các cửa hàng ở Nga hiện nay, những mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu đã bị gỡ biển giá, hoặc “đắp chiếu” chờ giá tăng trở lại, thay vào đó, những mặt hàng sản xuất trong nước được tăng cường nhiều hơn. Điều này phần nào chứng tỏ, người Nga cũng đã chuẩn bị cho mọi tình huống. Trong lịch sử, chính sách của Nga đã từng đề cập đến vấn đề “ở nước Nga không có châu Âu”, người dân Nga không tiêu tiền đô la, chỉ có tiền rúp. Và, cũng do bởi thói quen tiêu và dự trữ tiền rúp của người Nga, đã khiến họ vững vàng hơn trong thời điểm hiện tại.
Từ Điện Kremlin, Tổng thống Nga V.Putin cũng cho rằng, việc mất giá đồng rúp là do tâm lý hoảng loạn vì vậy không cần đưa ra biện pháp khẩn cấp nào.
Lời trấn an của ông Putin đã khiến đại đa số dân chúng yên tâm. Tuy vậy, với những người bi quan, họ cho rằng, nếu hôm nay người Nga đang dành những đồng tiền cuối cùng của họ để đón mừng năm mới, thì sang năm cuộc sống của họ sẽ vô cùng khó khăn.
Trên các đường phố Mátxcơva, người Nga vẫn đang tất bật trang trí chuẩn bị đón Noel và năm mới. Nhiên liệu vẫn là tiềm lực rất mạnh của Nga nên giá điện và xăng trong 2 ngày qua đã rẻ hơn trước rất nhiều. Cũng chính vì vậy mà đường phố Nga vẫn tràn ngập ánh sáng đèn đường, lung linh như những tòa lâu đài trong cổ tích là điều người Nga luôn tự hào. Và điều đặc biệt nữa, người Nga vẫn rất tôn kính và sùng bái lãnh đạo của họ và không hề có bất kỳ cuộc biểu tình phản đối nào.
Người Việt âu lo
Khác với người Nga, thói quen giao dịch tiền đô la đã đặt cuộc sống người Việt ở Nga trước những thách thức lớn. Giá đô la tăng và biến động như hiện nay rất quan trọng và vô cùng nguy hiểm đối với vốn liếng của người Việt. Người Việt ở Nga đa phần là làm ăn buôn bán, khi đồng rúp trượt giá, hàng hóa bão hòa không bán được và nếu bán thì càng lỗ vì hàng mua vào tính theo giá đô la mà bán ra với giá tiền rúp.
Với những doanh nhân lấy hàng từ Việt Nam, hoặc từ Trung Quốc phải thanh toán bằng tiền đô la, nhưng sang đến Nga bán ra bằng tiền rúp thì khoản tiền thất thoát càng nhiều, khiến nhiều người hoảng sợ. Làm ăn thua lỗ, đã khiến nhiều người Việt có tâm lý “bỏ chợ”, nhiều xưởng may đã phải đóng cửa vì chi phí sản xuất cao, khiến nhiều lao động Việt bị mất việc.
Khó khăn nhất, phải kể đến những người Việt mới sang Nga làm công nhân, hoặc buôn bán nhưng đồng vốn chưa được nhiều. Năm nào cũng vậy, ở thời điểm gần cuối năm, người Việt gom tiền mua đô la gửi về Việt Nam cho gia đình, người thân. Nhưng với tình hình như hiện nay, nhiều người Việt không biết lấy tiền đâu để gửi về nhà cho gia đình ở quê đón tết.
Một số người Việt đang gom hàng, trông ngóng tình hình thay đổi, một số ít đã hồi hương. Khá lâu rồi, người Việt ở Nga không có tâm trạng hân hoan khi năm mới đang đến gần.
Tuy nhiên, người Việt không thụ động. Một số người Việt lo xa đã đi thuê xưởng, mua nhà kính với giá rất đắt để đầu tư trồng rau, thuê trại chăn nuôi để sản xuất thực phẩm đóng hộp…
Những người Việt giàu có ở Nga dự trữ chủ yếu là đồng đô la, và một lượng tiền rúp từ 10-15 triệu thì hướng đầu tư bất động sản là an toàn trong thời điểm này. Giá nhà đất ở Nga đang xuống kỷ lục, giảm ½ so với trước đây. Chỉ trong vòng 2 tháng qua, có trên 100 gia đình người Việt đã bỏ tiền mua nhà để giữ vốn. Những gia đình này mua nhà chủ yếu ở 3 khu vực là Reutov, Liuberxư, Txarưxinô.