Nguyễn An My - cô gái 19 tuổi bị câm điếc bẩm sinh nhưng lại khiến mọi người thán phục bởi nghị lực phi thường, sự ham học cũng như đam mê làm tình nguyện.
Đã trải qua những tháng ngày khó khăn, vất vả để học con chữ nên An My hiểu rất rõ, những đứa trẻ câm điếc khó khăn thế nào để hòa nhập với cộng đồng. Chính vì thế, cô đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để dạy ngôn ngữ ký hiệu và chữ viết cho trẻ em câm điếc.
Nghe bằng mắt, nói bằng tay
Nguyễn An My (sinh năm 1995, quê Yên Bái, học sinh cấp 2 trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) mở đầu cuộc trò chuyện “không lời” bằng dòng tin nhắn: “Chắc em phải lấy đi của chị rất nhiều thời gian. Hãy kiên nhẫn với em chị nhé”.
Thì ra, cô bé đã lường trước những khó khăn của việc giao tiếp với người câm, điếc nên trấn an tôi. Công việc lẽ ra là của phóng viên đã được em làm giúp.
An My sinh ra đã bị câm, điếc bẩm sinh. Cô Nguyễn Thị Hòa - mẹ An My cho biết: “Lúc sinh ra, My khỏe mạnh bình thường. Nhưng rồi cả nhà thấy lạ khi My không thể khóc to được, chỉ e, a… trong cổ họng. Ngay cả khi có tiếng động mạnh, con bé cũng không giật mình. Chúng tôi đưa cháu đi khám thì mới biết nó bị câm, điếc bẩm sinh. Chạy chữa khắp các bệnh viện lớn nhỏ đều không có hiệu quả. Đến lúc My 5 tuổi thì cả nhà chấp nhận việc con bé suốt đời không thể nghe, nói”.
Nguyễn An My - cô gái trẻ đam mê thiện nguyện
My lớn lên trong sự câm lặng và an nhiên như thế, không thể nghe thấy bất cứ âm thanh nào, cũng không thể nói ra điều gì mình nghĩ. Nhìn thấy các bạn tung tăng cắp sách đi học, My chỉ nhìn mẹ rồi chỉ trỏ, ra hiệu hỏi. Thấy mẹ lắc đầu, em cúi gằm nín lặng.
Mẹ My tâm sự: “Nhà chúng tôi ở vùng sâu, cách thành phố tới 60 cây số. Muốn cho con bé được đi học lắm nhưng không không có trường lớp, thầy cô dạy. My không có bạn, vì con bé cứ im lặng như thế làm gì có đứa trẻ nào đủ kiên nhẫn chơi cùng. Hằng ngày ở nhà, hai mẹ con cũng chỉ giao tiếp bằng cử chỉ. Đôi lúc ra hiệu mãi mà tôi không hiểu, nó chui vào phòng khóc rưng rức”.
Lên 8 tuổi, My mừng rỡ khi được đi học tại trường tiểu học dành cho trẻ em khuyết tật tại Ba Vì, Hà Nội. Tại đây, em được học song song ngôn ngữ ký hiệu và chữ viết.
An My tâm sự: “Việc học chữ với những đứa trẻ câm, điếc như em cực khó khăn. Cô giáo phải viết chữ cái lên bảng, sau đó sử dụng ký hiệu diễn đạt. Cùng một lúc, chúng em phải ghi nhớ cả chữ cái lẫn ký hiệu rồi tập viết ra giấy. Học xong bảng chữ cái rồi đến ghép chữ thành từ, kết hợp với học ký hiệu của từ đó”.
My chia sẻ thêm: “Chính bởi học bằng ngôn ngữ ký hiệu nên việc xác định động từ, tính từ với chúng em rất khó khăn. Chưa kể để viết cho đúng ngữ pháp em cần cả quá trình”.
Vì thông minh, chăm chỉ nên chỉ cần 7 năm My đã hoàn thành chương trình tiểu học (trong khi có những bạn phải mất 9 đến 10 năm). Bình thường trẻ câm, điếc chỉ có cơ hội được học hết bậc tiểu học, sau rồi sẽ quay sang học nghề. Riêng My, mong ước được tiếp tục học văn hóa nên cô bé không ngừng xin mẹ tìm trường cho mình học tiếp.
Vậy là mẹ An My lại tiếp tục “hành trình” tìm trường cho cô bé học cấp hai. Cô Hòa kể: “Lúc đến trường xin cấp giấy chứng chỉ học hết lớp 5 để làm thủ tục dự thi, các thầy cô đều cho rằng tôi đang làm một việc không tưởng. Bởi chưa kể việc thi cử khó mà ngay đến cả việc tìm trường để thi đã là không thể rồi. Quả thực thì tôi cũng chỉ cố “tát” khi “ao còn nước” chứ cũng không dám hi vọng My thi đỗ.”.
Nhưng chính người mẹ ấy cũng không ngờ rằng, đứa con gái “câm điếc” của mình lại quyết tâm và nghị lực đến thế. Suốt 3 tháng hè, My lao vào học. Cả gia đình My cũng vội vã mua sách, tìm hiểu cách học ngôn ngữ ký hiệu để dạy chữ cho con.
Và My đã chứng minh cho mọi người thấy được năng lực của mình khi xuất sắc đi đỗ vào cấp hai, được nhận vào trường Cao đẳng Sư phạm trung ương (Hà Nội). Cô bé câm, điếc vui mừng khôn xiết khi không bị “đứt gánh” sự học giữa đường.
Nhưng có lẽ, điều khiến My và gia đình hạnh phúc nhất là cô bé đã biết nghe, biết nói. Chỉ có điều, mọi người thì nói bằng miệng, nghe bằng tai, còn My thì nghe bằng mắt, nói bằng tay. Với ngôn ngữ đặc biệt của mình, My đã sẵn sàng hòa nhập vào thế giới chung.
Đam mê thiện nguyện đến mãnh liệt
Xa gia đình từ nhỏ, My hiểu được giá trị của sự đoàn kết trong cộng đồng, quý trọng từng chút quan tâm, yêu thương của những người xung quanh. Và khi đã đứng vững, đã có thể nghe, nói bằng ngôn ngữ riêng, My cũng muốn được giúp đỡ người khác, dạy ngôn ngữ kí hiệu cho trẻ em câm, điếc.
My chia sẻ: “Với người bình thường làm tình nguyện là việc rất đơn giản, muốn thì làm. Còn em thì rất muốn nhưng không có cơ hội bởi, em không thể nghe, nói thì làm sao giúp ai được. Tự lo cho bản thân là tốt lắm rồi”.
My luôn tự hào với ngôn ngữ đặc biệt của mình
Nhưng rồi cơ hội cũng đến. Năm lớp 8, My được biết về dự án IDEO (Dự án giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường). Cô gái trẻ bước qua mặc cảm, tự tin truyền dạy kiến thức đã có cho trẻ em câm, điếc theo các chương trình từ thiện của dự án.
An My tham gia giảng dạy miễn phí ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ em điếc từ 0 – 6 tuổi. My chia sẻ: “Em từng trải qua nên biết, việc học song song cùng lúc cả ngôn ngữ ký hiệu lẫn chữ viết rất khó khăn. Nếu bây giờ, trẻ câm, điếc được học ngôn ngữ ký hiệu trước khi đến trường thì sau này việc học chữ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Vì vậy em tham gia dự án từ thiện với mong muốn giúp các em nhỏ dễ hòa nhập hơn với cộng đồng cũng như công việc học tập”.
Một tuần, ngoài giờ học, An My và các bạn tham gia giảng dạy 1 đến 2 buổi ở trung tâm hoặc tại nhà riêng của học sinh. My không chỉ dạy cho các em nhỏ mà còn dạy cho cả các bậc phụ huynh để họ có thể giao tiếp với con dễ dàng hơn.
Vừa thông minh lại năng động, hoạt bát nên My được dự án chọn đi tập huấn quay phim tại TP.HCM trong tháng 8 vừa qua. Từ đó, My trở thành thành viên quan trọng của dự án, ghi lại những thước phim tư liệu về quá trình học và phát triển của trẻ em câm, điếc để chứng minh mô hình dạy học này có hiệu quả.
Cô Lê Thị Kim Cúc (quản lý dự án IDEO) cho biết: “My là cô gái thông minh và nhanh nhẹn. Dù bận học nhưng cô bé luôn hết mình trong các hoạt động tình nguyện”.
Từng gặp vô vàn những khó khăn trong việc diễn đạt điều muốn nói, từng phải lủi thủi một mình bởi các bạn không đủ kiên nhẫn chơi cùng người câm, điếc nên My càng hiểu giá trị công việc mình đang làm. Tình nguyện đối với My là niềm đam mê mãnh liệt. My nói: “Trước đây em chưa bao giờ dám mơ có thể nói ra điều mình nghĩ. Bây giờ không chỉ giao tiếp được với mọi người mà còn có thể giúp đỡ người khác, em cảm thấy rất hạnh phúc”.
An My cũng rất tự hào về ngôn ngữ đặc biệt của mình. My nói, nhờ có nó em mới bước qua được mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng. Dù không thể “nghe và phát ra âm thanh” nhưng My không phải người khuyết tật, chỉ là cô gái sẽ nghe và nói bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt – ngôn ngữ ký hiệu