Ngày 18/12, phát biểu trong một cuộc họp báo thường niên với hơn 1000 phóng viên trong và ngoài nước, Tổng thống Nga Putin tuyên bố nền kinh tế Nga chắc chắn sẽ thoát khỏi tình trạng trì trệ và đồng rúp sẽ hồi phục trong vòng 2 năm tới.
Tuyên bố trên của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh Nga vừa có một động thái quyết liệt trong nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vớt nền kinh tế và đồng rúp khỏi nguy cơ sụp đổ. Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định tăng lãi suất từ 10,5% lên 17%, mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng đồng rúp vào năm 1998, nhằm ngăn chặn đồng tiền này giảm giá lần thứ 6 liên tiếp trong năm nay.
Ông Putin tuyên bố nền kinh tế nước Nga sẽ hồi phục trong 2 năm tới
Trong năm nay, đồng rúp đã giảm giá 45% so với đồng đô-la của Mỹ, và lần sụt giảm mạnh nhất diễn ra vào ngày thứ Hai và thứ Ba tuần này. Nỗi quan ngại về sự mất giá kỷ lục của đồng rúp đã khiến người dân Moscow đổ xô tới các trung tâm điện máy để mua các thiết bị điện tử trước khi chúng tăng giá.
Đến hôm thứ Tư, đồng rúp hồi phục được 13% nhờ các động thái can thiệp của Ngân hàng Trung ương và chính phủ Nga, tuy nhiên nó lại tiếp tục đà giảm giá mạnh vào ngày thứ Năm, khi không một biện pháp hữu hiệu nào được đưa ra để cứu vãn cuộc khủng hoảng tài chính đang ngày càng trầm trọng.
Nguyên nhân khiến đồng rúp lâm vào tình trạng giảm giá thê thảm chủ yếu là do giá dầu liên tiếp giảm trong thời gian vừa qua. Một nửa ngân sách của Nga là từ nguồn thuế dầu mỏ và khí đốt, thế nên khi giá dầu giảm mạnh, nền kinh tế Nga cũng bị kéo xuống theo.
Dự toán ngân sách năm 2015 của Nga được xây dựng dựa trên nhận định giá dầu giữ ở mức trên 100 USD/thùng, và Nga chỉ có thể cân đối ngân sách nếu giá dầu dao động quanh mốc này. Bởi vậy, khi giá dầu giảm mạnh xuống dưới mức 60 USD/thùng, dự toán ngân sách của Nga gần như “đổ bể”.
Giá dầu liên tiếp giảm khiến dự toán chi tiêu của Nga gần như "đổ bể" (Ảnh minh họa)
Thứ hai, các lệnh cấm vận kinh tế do Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt để trả đũa sự liên quan của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay đang gây sức ép ghê gớm lên đồng rúp. Ngay cả các công ty của Nga cũng đang vật lộn với các khoản nợ bằng đồng USD và euro tại các thị trường phương Tây do lệnh cấm vận này.
Để trả được nợ, các công ty Nga đang tìm cách bán ra đồng rúp để thu về ngoại tệ, một yếu tố khiến đồng rúp càng giảm giá nhiều hơn. Tồi tệ hơn, những người khổng lồ năng lượng của Nga như Rosneft và Gazprom giờ đây không thể thu xếp được các hoạt động tài chính dài hạn với các ngân hàng phương Tây vì lệnh cấm vận.
Tờ Bloomberg nhận định: “Những gì mà chúng ta đang chứng kiến trong những ngày vừa qua giống như một cơn hoảng loạn đầy choáng váng. Tất cả đều là lý do tâm lý: Nỗi sợ hãi đã thống trị, và điều dễ nhận thấy là các thương nhân và nhà đầu tư đang tìm cách rút tiền ra khỏi các công ty Nga. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chạy đua trên toàn nước Nga”.
Người dân Moscow đổ xô tới các cửa hàng mua sắm đồ điện tử vì lo sợ đồng rúp tiếp tục giảm giá sâu
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Steen Jakobsen thuộc Ngân hàng Saxo, mặc dù mọi thứ trông có vẻ tồi tệ, nhưng nước Nga có thể gượng dậy và có một khởi đầu mới mạnh mẽ vào năm 2015.
Theo ông Jakobsen, để làm được điều đó, nước Nga phải giải quyết được cuộc khủng hoảng Ukraine như một điều kiện tiên quyết, từ đó giảm bớt căng thẳng về chính trị và tài chính với phương Tây.
Mặc dù vậy, vì nền kinh tế Nga chưa tích hợp đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu, nên dòng vốn sẽ không tiếp tục chảy vào và ra nước Nga nếu như các lệnh cấm vận chưa được dỡ bỏ, trong khi chế độ “tự cung tự cấp” không phải là một phương án khả thi cho nước Nga trong thời điểm này.
Theo chuyên gia kinh tế này, trong vòng 3 hoặc 4 tháng tới, cả Nga và châu Âu đều sẽ phải muốn hợp tác mang tính xây dựng hơn nữa để tìm ra giải pháp tích cực cho tình hình. Ông Jakobsen tin rằng Nga là một “quốc gia vĩ đại” với những nguồn lực đầy tiềm năng, và họ có thể trở thành nỗi ngạc nhiên lớn nhất với thế giới trong năm 2015.
Trong khi đó, ông Timothy Ash, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi của Ngân hàng Standard thì cho rằng kinh tế Nga không thể phục hồi một cách thần kỳ trong 2 năm như ông Putin khẳng định.
Ông Timothy Ash, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi của Ngân hàng Standard
Theo ông Ash, những vấn đề hiện nay của Nga không chỉ nằm ở giá dầu và lệnh cấm vận, mà còn là vấn đề thuộc về chính sách như môi trường kinh doanh kém hiệu quả, tệ quan liêu, tham nhũng, bảo vệ bản quyền và vấn đề pháp trị.
Ông Ash chỉ ra rằng ngay cả trong thời kỳ nền kinh tế Nga đạt đỉnh, tình trạng nhà đầu tư rút vốn ồ ạt ra khỏi nước Nga mỗi năm cũng luôn giữ ở mức trên 50 tỉ USD, và tình trạng này không thể được giải quyết trong một sớm một chiều để giúp nền kinh tế Nga khôi phục từ trong khủng hoảng.
Hôm 18/12, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Aleksey Ulyukayev tuyên bố rằng nền kinh tế Nga đang bị mắc kẹt trong một “cơn bão hoàn hảo” và sẽ không thể tăng trưởng ở tốc độ như trước đây.
Ông Ulyukayev nhận định: “Nếu như giá dầu không giảm và không có lệnh cấm vận và chúng ta không mắc sai lầm ngớ ngẩn nào, nền kinh tế Nga cũng chỉ tăng trưởng ở mức 2,5-3%”.