Dân Việt

Thị trường thủy sản cuối năm: Lỡ cơ hội hốt bạc

12/11/2010 05:37 GMT+7
(Dân việt) - Mặc dù đang vào giai đoạn chạy nước rút để cung ứng sản phẩm xuất khẩu cho thị trường mùa Noel và Tết dương lịch, nhưng hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL xếp máy, không hoạt động.

Tôm, cá tăng giá kỷ lục nhưng thiếu vẫn thiếu

img
Chế biến tôm xuất khẩu ở Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Hiện nay, giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đã cao nhất trong vòng 10 năm qua, gấp đôi năm 2009. Tại vùng tôm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… thương lái mua tận ao, loại 20 con/kg giá 210.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 170.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 120.000 đồng/kg.

Giá tăng cao như thế là do tình hình khan hiếm tôm nguyên liệu, trong khi thị trường cuối năm nguồn hàng cần cho xuất khẩu lại tăng cao để phục vụ nhu cầu tiêu thụ các nước trong mùa Noel và Tết dương lịch.

Ông Hồ Dòn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản - Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) cho biết: “Tôm nguyên liệu khan hiếm hơn một tháng nay. Chúng tôi phải đi Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh và các tỉnh miền Trung để mua tôm, nhằm duy trì sản xuất chế biến. Hiện nhà máy chỉ duy trì được 50- 60% công suất do thiếu hàng”.

Việc thiếu nguyên liệu để chế biến cá tra càng gay gắt hơn nữa. Những ngày qua, các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL lao vào cuộc tranh giành nguyên liệu bằng cách liên tục nâng giá cá lên cao. Từ 17.000 đồng/kg, giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng lên 18.000 rồi 19.000 đồng/kg, có nơi đến gần 20.000 đồng/kg, cao kỷ lục trong nhiều năm qua, nhưng vẫn không có đủ hàng để chế biến.

Ông Nguyễn Duy Nhứt - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Nam Việt, cho biết: “Bình quân mỗi ngày công ty cần khoảng 300 tấn cá để chế biến xuất khẩu, nhưng giờ tìm đỏ mắt chỉ mua được 200 tấn trở lại, vì thế nhà máy chỉ hoạt động khoảng 40% công suất”.

Cơ hội vụt qua

Hiện giá tôm, cá xuất khẩu đều tăng nhưng doanh nghiệp đang bỏ lỡ nhiều cơ hội kiếm tiền. Ông Ngô Phước Hậu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Agifish cho biết, mấy ngày qua cá tra đã bắt đầu tăng giá thêm 10 -15 cent/kg, hiện ở mức 2,8 USD/kg tại thị trường châu Âu.

Tôm cũng tăng giá. Ông Chu Văn An - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết, giá tôm xuất khẩu đang tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tăng giá theo ông An, do thị trường cuối năm nhu cầu tiêu thụ cho ngày Noel và Tết dương lịch của người tiêu dùng các nước tăng cao trong khi nguồn hàng cung cấp lại không tăng, thậm chí còn thiếu.

Giá tăng như thế nhưng các doanh nghiệp vẫn không có đủ hàng để chế biến xuất khẩu và đành ngồi nhìn cơ hội vụt trôi qua. “Đơn hàng dồn dập nhưng chúng tôi không dám nhận vì sợ không có đủ hàng để làm” - ông An tiếc rẻ.

Không đủ hàng, các công ty phải lùng mua cả tôm quảng canh trong người dân ở khắp cả nước, có doanh nghiệp thậm chí qua cả Indonesia, Ấn Độ nhưng cũng không được là bao. Thiếu nguyên liệu nên hiện các công ty đều hoạt động chỉ khoảng 30 – 50% công suất.

Theo TS.Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, lượng cá trong dân hiện nay không còn nhiều nên số hộ trúng giá đợt này chỉ đếm trên đầu ngón tay. 3 năm qua người nuôi đã lỗ quá nhiều, nay giá cá dù tăng nhưng không bền vững.

Ngoài ra, giá thức ăn liên tục nhảy vọt, đẩy chi phí giá thành lên rất cao. Chu kỳ nuôi mới mất từ 6 - 7 tháng, đến khi thu hoạch giá cá sụt thì người nuôi lãnh đủ, vì vậy họ không dám đầu tư. Với tình hình trên, dự báo từ nay đến cuối năm 2010 và sang năm 2011 nguồn cá nguyên liệu sẽ tiếp tục thiếu.

Xuất khẩu thuỷ sản có thể đạt hơn 4,8 tỷ USD

Theo dự báo của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2010 của nước ta ước đạt hơn 4,8 tỷ USD (cao hơn con số dự báo của quý III 4,78 triệu USD), trong đó giá trị xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,363 tỷ USD. Sở dĩ có dự báo này là do, thị trường xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản vào các nước khác vẫn đang có thuận lợi khá lớn, chỉ riêng tháng 10 đã xuất khẩu thuỷ sản được hơn 500 triệu USD.Các thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt Nam vẫn là Mỹ (19%) tiếp đến là Nhật Bản (18,3%).