Lụa được thành phố lấy để đặt cho tên một con đường ở làng dệt lụa Vạn Phúc. Chao ôi, nghe mà vui buồn lẫn lộn. Mới đây thôi còn làng lụa Vạn Phúc, còn gọi nơi ấy là phường Vạn Phúc thuộc thành phố Hà Đông (nay là quận Hà Đông).
Thời thế đổi thay đến chóng mặt. Nhưng cái làng ấy thì vẫn còn nếp làng. Vẫn còn chăn tằm, mua lá dâu về nuôi tằm, vẫn còn ươm tơ dệt lụa... “Trời đất xoay ra phố cả làng”. Đứng giữa cái làng có tuổi ngàn năm nghe tiếng thoi gấp gáp, nghe nhịp đời đang náo nức lòng không khỏi bồn chồn.
Phố Lụa, quận Hà Đông (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Nhớ 20 năm trước làng đìu hiu, cũ kỹ khi hợp tác xã dệt Vạn Phúc đang lâm vào khó khăn vì tan rã một thị trường lớn, vì cơ chế cũ đang cản trở... Tôi tìm về Vạn Phúc tận mắt ngắm những cỗ máy dệt lụa thủ công im lìm trong những căn buồng chăng đầy tơ nhện. Ngày ấy cô con dâu cụ Triệu Văn Mão đương mơn mởn, má hồng, tay quay tơ, miệng kể về cái tinh khôi của đời tằm, đời lụa. Chả thế mà gấm vóc lụa là Vạn Phúc được chọn đem may trang phục vua chúa mấy triều.
Thời hoàng kim nào rồi cũng vào dĩ vãng... Cả làng còn vài hộ đeo đuổi tằm tang như cố níu lấy nghề. Vậy là mấy trăm năm vang bóng, Vạn Phúc làm nổi danh quê lụa, Hà Tây thơm lây. Chả thế mà nhạc sĩ, kiêm nghệ sĩ múa Nhật Lai đã viết nên một tuyệt khúc tình ca về mảnh đất này để rồi sau này thành nhạc hiệu của Đài PT-TH tỉnh... Cái bài hát ấy đã góp phần đưa nghệ sĩ Quốc Hương trở thành danh ca số một Việt Nam... “Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh/ Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa...”.
Bây giờ phố Lụa lại nhộn nhịp thoi đưa, lại tấp nập cảnh bán mua một thứ hàng đặc sản vang danh thế giới. Nhưng sao đi giữa làng lụa hôm nay bỗng thấy bất an một điều gì. Hình như tiếng thoi gấp gáp hơn, dòng đời hối hả hơn và những tấm lụa, những khăn, những áo lụa la liệt trong các cửa hàng Vạn Phúc kia có cả đồ từ Tô Châu, Hàng Châu bên xứ Tàu gửi sang bày bán (?).
Tiếng thoi đưa nhanh, vài nong tằm khô bày ra sân nhà, mấy cái chậu kén vàng để kia cho du khách trầm trồ... Vạn Phúc hình như cố níu giữ mảnh hồn làng đương phai nhạt. Đâu còn những chiều hong lụa bên sông Nhuệ với những tấm lụa đủ màu rực cả trời chiều. Đâu còn những cô gái Vạn Phúc yếm đào, áo lụa ra sông giặt lụa, phơi lụa ngày nào...
Tất cả đã là vàng son của dĩ vãng. Công nghệ máy móc hiện đại với những chất liệu vải vóc màu mè phồn vinh và quá trình đô thị hóa đã đẩy Vạn Phúc lùi dần vào lịch sử...
Đi giữa phố Lụa chiều nay lòng vẫn thầm mong sao nếp làng ấy còn giữ được ít nhiều, để mà vinh danh cái mảnh đất lịch sử ngàn năm, để mà làm du lịch...
Dẫu sao thì người Hà Nội đã kịp đặt tên Lụa cho một con đường. Cho dù mai kia làng ấy không còn tên cũ, cho dù nghề tằm tang vĩnh viễn là dấu vết xa xăm...