Dân Việt

Tấm " lệnh bài" phá rừng

13/05/2011 14:06 GMT+7
(Dân Việt) - Để đạt tiến độ trồng mới hàng nghìn ha cao su mỗi năm, đẩy nhanh quá trình xoá đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững cho nông dân, đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ha rừng cả nguyên sinh lẫn tái sinh đã bị chặt hạ...

Năm 1997, Nông trường Lam Sơn đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Lam Sơn (Công ty Lam Sơn), với tổng diện tích khoảng 300ha. Bà Ngô Thị Thao - Trưởng thôn 10, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá cho biết: "Trước khi Nông trường Lam Sơn trồng cao su (năm 1997), khu vực đó là rừng tái sinh. Hồi đó ở đây còn nhiều cây to lắm, lim to như cột nhà nhan nhản. Khi có dự án trồng cao su… "phủ xanh đất trống đồi núi trọc", họ đã phá rừng...".

img
Những gốc cây rừng còn sót lại trong khu vực trồng cao su ở xã Trung Thành (Vị Xuyên, Hà Giang).

Đốn rừng trồng vàng trắng

Theo bà Nguyễn Thị Hương cùng ở thôn 10, thời điểm năm 1997, Công ty Lam Sơn tiến hành trồng cao su, ngoài diện tích đồi cây nghèo nàn, có khoảng vài chục ha rừng tái sinh bị chặt phá để trồng cao su, trong đó có một số là rừng gỗ lim. Ông Nguyễn Minh Quyền - Chủ tịch UBND xã Minh Tiến khẳng định: "Hiện nhiều khu trồng cao su của Công ty Lam Sơn, đang nằm "đè" lên khu rừng trước kia. Việc phá rừng trồng cao su là có thật".

Không chỉ riêng tại Nông trường Lam Sơn, mà các sông Chu, Vân Du… cũng cùng chung tình trạng này. Anh Quách Văn Hùng (thôn Bái Đang, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành) cho hay: "Ngày trước ở đây toàn rừng cây to (gần Vườn quốc gia Cúc Phương), nay họ phá sạch trồng cao su, muốn kiếm que củi đun cũng không còn".

Tại Điện Biên, cao su không chỉ lấn mất đất sản xuất, mà còn phá luôn cả cánh rừng trẩu của bản trong khi dân bản bao năm khoanh nuôi, bảo vệ. Ông Quàng Văn Ân - Trưởng bản Nà Lĩnh, xã Mường Bồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên hậm hực: “Rừng trẩu khi đó rộng tới 3-4ha với những cây to có đường kính 30-40cm. Chúng tôi bảo nhau giữ khu rừng đó để lấy nước ăn, nước sản xuất và là khu quy hoạch dãn bản sau này.

Bao nhiêu nhà trong bản khó khăn, muốn dựng cái nhà mới, sửa cái nhà cũ cũng đành bấm bụng nhịn ăn lấy tiền mua gỗ khác chứ chưa ai dám tính tới chuyện chặt 1 cây gỗ khu rừng đó. Vậy mà Công ty cổ phần Cao su Điện Biên đem máy ủi tới, ủi bay cả gốc, lấy luôn cả gỗ chở đi đâu cũng không biết nữa. Ít ra dân chúng tôi cũng phải được nghe lời giải thích, hoặc được mua lại chính số gỗ đó để sửa chữa nhà cửa…

Cứ đà này không những rừng ở đây bị phá hết, mà dân cũng hết đất sản xuất luôn. Chúng tôi có ý kiến với cán bộ, người ta bảo trồng cao su để cho dân sớm thoát nghèo, vươn lên khá, giàu bền vững. Phải nghe cán bộ thôi”.

Phóng viên làm việc với lãnh đạo xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên về chương trình phát triển cây cao su, anh Nguyễn Ngọc My- Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Mấy năm phát triển, diện tích cao su toàn xã hiện đã lên tới 300ha, chủ yếu trồng trên đất rừng 1C (rừng nghèo) song cũng ảnh hưởng tới phát triển chăn nuôi gia súc của nông dân. Qua ý kiến của người dân và bản thân tôi thấy trồng cao su nên dừng lại với diện tích hiện tại để kiểm nghiệm.

Việc đã rồi?

Chủ trương của Chính phủ là phát triển cây cao su ở những diện tích đất rừng kém hiệu quả, rừng lau lách; đất trống đồi núi trọc... Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) khẳng định: “Hơn 64ha rừng 2A (rừng trữ lượng gỗ khá cao) của huyện tôi với nhiều cây to đã bị phá để trồng cao su. Xót lắm, nhưng khi tôi về tiếp quản thì cây đã chặt rồi, gốc đã đào rồi, đành ký vào biên bản nhất trí cho trồng cao su...”.

Năm 2008, Hà Giang tiến hành trồng thử nghiệm 9,2ha cao su, sau gần một năm, lãnh đạo tỉnh và Công ty cổ phần Cao su Hà Giang đã đưa ra kết luận: "Cây cao su rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… của Hà Giang". Và "lệnh phá rừng" được thực thi. Trong tổng số 20.605,8ha được quy hoạch trồng cao su, có 16.770,4ha đất lâm nghiệp, bao gồm: Rừng sản xuất, rừng tái sinh và rừng khoanh nuôi.

Hơn 64ha rừng 2A của huyện tôi với nhiều cây to bị phá để trồng cao su. Xót lắm, nhưng khi tôi về tiếp quản thì cây đã chặt rồi, gốc đã đào rồi, đành ký vào biên bản nhất trí cho trồng cao su...

Anh Hứa Văn Chung - người dân tộc Tày ở thôn Cốc Héc, xã Trung Thành (Vị Xuyên) góp 4ha đất rừng trồng cao su, cho biết: "Rừng nhà mình là rừng khoanh nuôi, tái sinh, có nhiều cây làm được cột nhà rồi, chặt đi mình cũng tiếc lắm. Nhưng nghe cán bộ bảo trồng cao su được nhiều tiền lắm, lại được làm công nhân, nên mình mới chặt đấy chứ".

Anh Ma Hải Thành (thôn Me Thượng, xã Vô Điếm, Bắc Quang) góp tới 10ha để trồng cao su. Trong đó có gần 5ha là rừng tự nhiên, còn lại là rừng keo sản xuất. "Mình bị ép giá, nên bán gỗ chẳng được bao nhiêu, rừng toàn cây trám 60 - 80 phân vanh, để lại vài năm nữa chắc có giá lắm" - anh Thành tiếc rẻ.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Nhị Sơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Giang khẳng định: "100% diện tích trồng cao su của Hà Giang là đất trống đồi núi trọc, rừng sản xuất nghèo nàn và vườn trồng cây ăn quả của người dân".

Việc chặt phá rừng trồng cao su liệu có hợp lý? Có ảnh hưởng đến sinh thái, việc điều tiết nước, ngăn ngừa lũ lụt… khi phải 7 - 8 năm sau cây cao su mới khép tán. Hà Giang và các tỉnh miền núi phía Bắc đang tiếp tục có bao nhiêu ha rừng bị chặt phá để trồng cao su(?!).

-------------

Bài cuối: Có nên ồ ạt trồng?