Quyết không giảm sản lượng
Giá dầu giảm đang kéo theo những hệ lụy lớn ảnh hưởng đến kinh tế của các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ. Kẻ thắng - người thua trong “cuộc chiến dầu mỏ” đang là đề tài nóng nhất hiện nay.
Tuy nhiên, nhóm các nước vùng Vịnh cũng bày tỏ niềm tin thị trường dầu mỏ sẽ tăng trở lại. Kể từ tháng 6 đến nay, giá dầu trên thế giới đã giảm 50%, chủ yếu là do dư thừa nguồn cung, nền kinh tế toàn cầu suy yếu và đồng USD tăng giá.
Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)- Suhail Al-Mazrouei nhấn mạnh: "Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá dầu giảm là sự sản xuất vô trách nhiệm của một số nhà sản xuất từ bên ngoài tổ chức OPEC. Các quan chức OPEC xem các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm sâu. Mấy năm gần đây, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng vọt, khiến lượng dầu xuất khẩu của OPEC sang Mỹ giảm”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, ông Ali al-Naimi cho rằng, sự thiếu hợp tác của các nước sản xuất dầu ngoài OPEC, hoạt động của giới đầu cơ, và thông tin sai là những nguyên nhân chính dẫn tới sự giảm giá chóng mặt đang diễn ra của “vàng đen”.
Tháng trước, OPEC quyết định duy trì mức sản xuất 30 triệu thùng mỗi ngày mặc dù có những lời cầu xin của một số thành viên về cắt giảm sản lượng trong một nỗ lực để kiềm chế giá trượt. Tuy nhiên, OPEC vẫn giữ nguyên lập trường khi cho rằng, việc giảm sản lượng để tăng giá sẽ tạo điều kiện cho các nước ngoài khối nhảy vào chiếm mất khách hàng.
Ông Al- Mazrouei bảo vệ các biện pháp này, đồng thời tin tưởng rằng thị trường dầu mỏ sẽ ổn định.
Bộ trưởng Al Naimi cũng khẳng định, các nước sản xuất dầu ngoài OPEC sẽ phải nhận ra rằng lợi ích của họ nằm ở việc hợp tác để giữ giá dầu cao cho tất cả.
Thuyết âm mưu
Ông Naimi cũng nói rằng quyết định cuối cùng của OPEC sẽ giúp phát triển kinh tế thế giới, bởi giá dầu hiện tại không khuyến khích đầu tư trong bất kỳ lĩnh vực năng lượng nào, nhưng lại kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cuối cùng dẫn đến sự gia tăng nhu cầu toàn cầu và giảm suy thoái.
Tuy nhiên, khác với quan điểm của các nước vùng Vịnh, dư luận và giới phân tích cho rằng, giảm giá dầu thực tế là “một âm mưu” trong chính sách của Saudi Arabia nhằm mục đích chống lại quốc gia này hay quốc gia khác.
Trong một phát biểu ngày 21.12, Bộ trưởng Naimi nhấn mạnh, quả quyết: “Không có âm mưu nào đằng sau việc giá dầu giảm”. Hồi đầu tháng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cáo buộc rằng, sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới là kết quả của " sự phản bội". Giới chức Venezuela và Nga cũng từng nói rằng Saudi Arabia đang “thông đồng” với phương Tây đẩy giá dầu xuống nhằm gây sức ép cho các nước này.
Bộ trưởng Naimi khẳng định: “Nói chúng tôi có những âm mưu như thế là hoàn toàn không chính xác và cho thấy sự hiểu sai ở một số người. Nền kinh tế của chúng tôi dựa trên các chiến lược kinh tế chặt chẽ, không hơn, không kém”.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar - ông Mohammed Al Sada cũng có vẻ lạc quan, cho rằng giá dầu sụt giảm thể hiện một "điều chỉnh tạm thời." Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng giá ở mức hiện tại của họ có thể "làm suy yếu đầu tư" trong năng lực sản xuất cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Ông Mohammed Bin Saleh al-Sada cũng nhấn mạnh thêm rằng, nước nào không chịu được áp lực từ giá dầu giảm sẽ phải nhường đường cho những nước có hiệu quả sản xuất dầu tốt hơn. Giới phân tích cho rằng, ông Sada đang ám chỉ các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, bởi chi phí sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất dầu ở các nước OPEC.