Nuôi heo công nghệ cao
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Nam, đi dọc theo đường Chợ Vài là thôn Ái Nàng, xã An Phú, Mỹ Đức sẽ đến trang trại nuôi lợn của anh Tiếp nằm khá xa khu dân cư, nơi trước đây được xem là bãi đất trống, có đầm lầy hoang hóa. Nhưng kể từ khi anh trực tiếp thầu khu đất này của địa phương, anh đã mạnh dạn đầu tư vào đó một hệ thống đường giao thông và các cơ sở hạ tầng khác.
Tỉ mỉ từ khâu chọn giống
Chọn giống được xem là yếu tố tiên quyết dẫn đến việc mô hình chăn nuôi lợn nái thành công. Sở dĩ, trang trại của anh chọn giống lợn Landrace để kinh doanh là vì giống lợn này được coi là giống lợn tốt nhất trên thế giới hiện nay và được nuôi rất phổ biến ở nhiều nơi. Lợn Landerace có khả năng sinh sản cao, mắn đẻ và đẻ nhiều. Trung bình đạt 2 - 2,5 lứa/năm. Mỗi lứa đẻ 10 -12 con, trọng lượng sơ sinh trung bình đạt 1,2 – 1,3 kg, trọng lượng cai sữa từ 12 – 15 kg.
Mỗi một con heo nái đều được theo dõi tình hình sinh sản một cách nghiêm ngặt.
Khả năng sinh trưởng của lợn rất tốt. Lợn Landrace có rất nhiều ưu điểm: sinh sản tốt, tăng trong nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp, tỷ lệ nạc cao và chất lượng thịt tốt. Lợn có khả năng tăng trọng từ 750-800g/ngày, 6 tháng tuổi lợn thịt có thể đạt 105-125 kg. Khi trưởng thành con đực nặng tới 400 kg, con cái 280-300 kg. Giống lợn Landrace được chọn là một trong những giống tốt để thực hiện chương trình nạc hóa đàn lợn ở Việt Nam. Ở một góc khác của khu trang trại dành cho hơn 100 con lợn đực, lợn mới nhập về cách ly và lợn hậu bị luôn được chăm sóc kỹ lưỡng và cẩn thận.
Trang trại “tiểu mẫu”
Những ai có dịp đến thăm trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc theo quy trình khép kín của ông Ngô Văn Tiếp đều phải trầm trồ khen ngợi, bởi quy mô trang trại to đẹp và được xây dựng, quản lý một cách khoa học. Khu chuồng lợn được xây dựng cạnh hồ nước rộng khoảng 4 ha, không khí xung quanh trong lành, yên tĩnh và được chia làm ba khu riêng biệt gồm: Khu chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản (trong đó có chuồng dành riêng cho lợn đẻ); khu chuồng chăn nuôi lợn mang bầu rộng và khu chuồng chăn nuôi mới nhập được cách ly riêng biệt với các chuồng khác.
Anh Dũng – một công nhân phụ trách chuồng lợn bầu của trang trại chia sẻ “để lợn nái sinh sản hiệu quả, thì khu chuồng nuôi phải đặt ở nơi yên tĩnh (tránh để lợn giật mình gây động thai), những con lợn giống đực luôn được nhốt ở đầu chuồng – nơi đầu gió để toả mùi kích thích lợn nái nhanh động dục”. Khi lợn nái có bầu sắp đẻ anh Dũng đưa sang khu chuồng riêng để tiện cho việc đỡ đẻ và úm lợn con.
Heo con được cắt đuôi, cắt tai, đánh số, mài lanh và tiêm phòng bài bản.
Lợn con vừa đẻ ra được cắt lanh ngay và sau một ngày thì dùng dao sắc hơ lửa cắt đuôi, bấm lỗ tai và tiêm phòng. Việc cắt đuôi nhằm giúp cho lợn thương phẩm sau này đỡ vận động tiêu hao calo và mông heo phát triển đều, to hơn, tăng hàm lượng thịt nạc. Hơn nữa riêng việc cắt đuôi mỗi con heo chăn nuôi trong ba tháng đã tiết kiệm được 6 kg cám/con. Để duy trì việc chăn nuôi đàn heo này hiệu quả, trang trại có tổng số 16 công nhân làm việc thường xuyên 24/24h. Chính những công nhân này là những người tạo giống, đỡ đẻ cho các chú heo. “600 đứa trong này đều là vợ anh hết đó ”- anh Dũng cười chia sẻ.
Bên cạnh các chuồng heo là các hồ để xử lý biogas theo quy trình chuẩn, thân thiện với môi trường. Anh Luyện, một công nhân làm ở bộ phận kỹ thuật điện, nước cho biết tất cả những phân và chất thải của heo khi thải ra ngoài đều được xử lý một cách nghiêm ngặt, hoặc là đem cho cá ở hồ ăn hoặc là sản xuất khí biogas làm chất đốt sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Nhờ có chiến dịch phòng bệnh hơn chữa bệnh mà đến thời điểm hiện tại sau hơn 8 năm chăn nuôi, trang trại của anh Tiếp chưa một lần nào bị dịch bệnh xâm nhập. Thực tế hiện nay, trang trại chăn nuôi heo của anh Tiếp đã có quy mô khoa học và lớn nhất trong hộ chăn nuôi heo ở Mỹ Đức. Việc thực hiện thành công trang trại chăn nuôi heo theo quy trình khép kín này đáng để cho nhiều hộ dân học tập và làm theo.