Đây là động thái mới, mạnh mẽ nhất vừa được các cơ quan chức năng đưa ra sau khi giá các loại hàng hóa, nhất là vận tải không chịu giảm hoặc giảm không tương xứng khi giá xăng dầu giảm sâu. Tuy nhiên, thực tế các đối tượng này có “sợ” mà giảm giá hay không vẫn là chuyện cần bàn…
Giá xăng giảm mạnh, hàng hóa, dịch vụ chây ì không giảm giá
“Dọa” trên… văn bản
Lần thứ 3 trong vòng 2 tháng, Bộ Tài chính lại tiếp tục nhắc nhở các Sở Tài chính địa phương và ngành giao thông vận tải đôn thúc doanh nghiệp phải giảm giá cước theo giá xăng dầu, nếu giảm chậm thì xử phạt.
Trong công điện phát đi chiều tối ngày 23.12, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở GTVT kiểm tra, rà soát việc kê khai và niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải trên địa bàn.
Bộ này yêu cầu các đơn vị phải kê khai giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm; kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai và niêm yết giá cước.
Cục trưởng Cục quản lý giá, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nên khi chi phí đầu vào giảm, doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm giá hàng hóa ở mức hợp lý.
“Chúng tôi cũng đã thấy vừa qua, giá các mặt hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá nhiên liệu trên thị trường chưa thể hiện rõ xu hướng giảm. Trong đó, cước vận tải là loại chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu cũng chưa giảm tương ứng, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội” - ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng chia sẻ, tôi cũng là một người tiêu dùng. Vì vậy, tôi cũng bức xúc với việc mỗi khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng thì rất nhiều mặt hàng khác cũng đẩy giá tăng theo (kể cả những mặt hàng chưa bị ảnh hưởng ngay, trực tiếp với giá xăng dầu, như mặt hàng bánh mì, rau quả…). Nhưng trong thời gian qua khi xăng dầu giảm giá liên tiếp với tổng số giảm đến hàng nghìn đồng/lít thì chưa thấy nhóm hàng thực phẩm nào giảm giá.
Chỉ đơn cử trong lĩnh vực vận tải, giá xăng dầu chiếm khoảng 35-50% giá thành vận tải do vậy khi xăng dầu giảm sẽ là yếu tố tích cực tác động giúp làm giảm giá cước vận tải. Theo tính toán của các lái xe taxi, hiện một km hết 2.000 đồng tiền xăng; có nghĩa là, chi phí cho 1 km taxi chỉ ở mức 4.000 đồng. Cộng với chi phí cho những km chạy không có khách, lợi nhuận, giá cước taxi sẽ vượt 4.000 đồng/km; tuy nhiên mức giá cước taxi 11.000 – 12.000 đồng/km hiện có thể coi là siêu lợi nhuận với giá xăng dầu đã giảm mạnh như hiện nay.
Người tiêu dùng sẽ tiếp tục thất vọng?
Có thể thấy, động thái mạnh mẽ của các cơ quan chức năng để buộc giá hàng hóa vận hành hợp lý vẫn mới chỉ dừng ở việc ra văn bản, khiến người tiêu dùng khó tránh khỏi thất vọng.
Bởi đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý “chát” văn bản xuống yêu cầu doanh nghiệp giảm giá và cũng không phải lần đầu tiên giá xăng dầu giảm mà đã 12 lần giảm nhưng thực tế, giá hàng hóa trên thị trường vẫn “trơ trơ” từ đó đến cả hơn nửa năm trời.
Hiện tại cứ ngành nọ nhìn ngành kia để “neo” giá hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm thì bảo khó đề nghị được doanh nghiệp vận tải giảm giá cước vận chuyển, do đó khó giảm giá hàng hóa cho người tiêu dùng.
Đơn cử, ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, trứng gà công nghiệp của của doanh nghiệp phía Nam vẫn bán ra thị trường với giá 2.700 đồng/quả, trứng gà Ai Cập 4.500-4.700 đồng/quả... là quá cao so với chi phí sản xuất, vận chuyển; giá thịt bò, thịt gà và đồ khô... cũng không hề nhúc nhích. Siêu thị tại Hà Nội cũng bán trứng tới 5.000 đồng/quả, không giảm giá suốt cả năm nay. “Chúng tôi rất muốn giảm giá cho người tiêu dùng nhưng không thể được vì nhà cung ứng không giảm...”-ông Phú nói.
Doanh nghiệp vận tải thì kêu do bị áp việc giảm tải khi lưu thông khiến vận tải đắt đỏ lên; thuế má, chi phí quản lý lại cao nên cũng không thể giảm giá cước. Các hãng taxi thì kêu các chi phí như: thay đồng hồ, bảo hiểm xe, các loại thuế phí, kiểm tra sức khoẻ định kỳ xe…đang tăng lên nên vận tải taxi chưa thể giảm giá cước.
Chị Kim Chung-giáo viên trường Cao đẳng cộng đồng cho biết, tôi thấy rất vô lý khi trên thị trường giá cả các mặt hàng, dịch vụ vận tải vẫn giữ nguyên. Tôi đi chợ thậm chí thấy môt số loại rau quả còn tăng giá so với thời gian trước. Hỏi thì người bán bảo vì chớm vào vụ đông… “Nói chung họ có đủ lý do để chây ì không giảm giá”-chị Chung nói.
Một doanh nghiệp chế biến thực phẩm đề nghị được giấu tên cho biết, họ không ép được doanh nghiệp vận tải giảm giá, bởi trước đây, khi Bộ Giao thông vận tải siết chặt tải trọng, cước phí vận tải đã tăng lên đến 20%-30%. Vì vậy, nhìn chung các doanh nghiệp vận tải sẽ chưa vội trong vấn đề giảm giá cước.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, hầu hết các sản phẩm hàng hoá trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Vì vậy, việc tăng, giảm giá phải phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường.
Chúng ta không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống. Ngoài ra, theo ông Quyền, một loạt các vấn đề khác cũng tác động không nhỏ đến thị trường như: hàng tồn kho, các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng, lãi suất ngân hàng, nợ khó đòi v.v... Tất cả những yếu tố này cũng tác động lên giá cả, khiến thị trường hàng hoá biến động theo chiều hướng tăng chứ không giảm.