Ông Ba đến với nghề nuôi gà siêu trứng như một lẽ tự nhiên, bởi ông là người yêu nghề nông và muốn làm giàu từ chính nông nghiệp.
Biến phân gà thành điện
Ông bắt đầu khởi nghiệp nuôi gà từ năm 1996, với diện tích nuôi trên 3.000m2. Ngay lứa đầu ông đã “đánh” một mẻ tới 12.000 con giống gà Isa Brown mua của Công ty C.P. Sau nhiều năm phát triển, đàn gà của ông Ba luôn tăng lên theo thời gian với phương châm lứa sau cao hơn lứa trước. Từ 12.000 con gà ban đầu, ông đã phát triển lên 30.000 con, rồi nay là 35.000 con. Cũng vì số lượng gà lớn như thế, nên lượng phân mà chúng thải ra hàng ngày lên tới trên 3 tấn, nếu không có phương pháp xử lý hợp lý sẽ là một thách thức thực sự với môi trường.
Có người khuyên ông nên tìm liên kết với một doanh nghiệp nào đó để “chế biến” phân gà, rồi bán lại làm phân bón, nhưng ông lại nghĩ, bán như thế cũng chẳng được bao nhiêu. Sau đó, ông tự đặt câu hỏi, tại sao không thể biến phân gà thành nhiệt như những hộ nuôi lợn đã áp dụng? Để thực hiện ý tưởng đó, ông đã chủ động tìm đến Trường Đại học Duy Tân để đặt hàng các chuyên gia ở đây thiết kế 11 hầm biogas (mỗi hầm 33m3) với mục đích biến toàn bộ phân gà thành khí gas giúp cho việc đun nấu trong trang trại (hiện được mở rộng đến 50.000m2). Riêng với 11 hầm biogas này, ông đã chi hơn 300 triệu đồng. “Bỏ ra 300 triệu đồng cho việc xử lý phân gà tôi cũng băn khoăn lắm, nhưng vì môi trường sinh thái của trang trại cũng là của địa phương, tôi chấp nhận. Có tôn trọng môi trường thì mới chăn nuôi bền vững được”– ông Ba tâm sự.
Công trình 11 hầm biogas được hoàn thành, cả trang trại của ông tha hồ đun nấu cũng không hết bởi lượng phân gà quá lớn. Thế là, ông lại nghĩ đến cách dùng một phần khí gas để làm điện thắp sáng. Mang ý tưởng đó đến gặp GS-TS Bùi Văn Ga, lúc đó đang là Giám đốc Đại học Đà Nẵng (hiện là Thứ trưởng Bộ GDĐT) để “đặt vấn đề”, ông đã thực sự làm GS Ga phải ngạc nhiên và phấn khởi vì một nông dân lại có ý tưởng táo bạo như vậy. Ý tưởng của ông Ba trùng với chuyên ngành nghiên cứu của GS Ga (vốn tốt nghiệp tiến sĩ khoa học chuyên ngành động cơ nhiệt). Như gặp được tri kỷ, GS Ga cùng cộng sự lên ngay trang trại nghiên cứu, lắp ráp. Kết quả, phân gà đã làm khởi động máy phát điện 80kV, giúp ông Ba thắp sáng trang trại trong những giờ cao điểm. “7 năm qua, công trình của GS Ga đã giúp tôi tiết kiệm một khoản tiền điện không nhỏ. Ngoài ra, nhờ công trình đó, khí gas được sử dụng hết, không phát tán ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường”– ông Ba nói.
Chưa hết, chứng kiến cảnh công nhân mỗi ngày hì hụi quét dọn, rồi dồn 3 tấn phân gà về 2 cổng hầm biogas, ông thấy quá vất vả, hôi hám, và ông lại nghĩ đến loại máy có thể “quét” phân gà thay cho người. Ông tìm đến các trường đại học và được biết ở Thái Lan đã chế ra loại máy như vậy, giá bán 35 triệu đồng/thiết bị (năm 2009). Để trang bị đủ cho trang trại, cần đến 8 cái máy, tốn 280 triệu đồng – số tiền quá lớn. Ông trăn trở, nghĩ cách làm sao để có máy mà chi phí lại thấp hơn. Ông nghe ngóng và biết tỉnh Hải Dương có trang trại vừa nhập máy của Thái Lan về. Ông tìm về Quảng Nam mời một chuyên gia cơ khí là ông Lê Mai, ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn cùng ông đến thăm trang trại ở Hải Dương để tìm hiểu về chiếc máy đó…
Sau chuyến đi đó, ông Lê Mai trở về chế tạo cho ông 8 cái máy cào phân mà tính năng, hiệu quả không khác máy Thái Lan với chi phí 15 triệu đồng/chiếc. 8 cái máy đó đã cần mẫn “quét” phân gà cho trang trại ông Ba suốt 5 năm qua mà không một lần hư hỏng.
Bão dập bão vùi vẫn gắn bó với gà
Tính ông Ba đã làm thì làm tới cùng, không nản chí, không bỏ cuộc và luôn tin ở thành công. 18 năm gắn bó với nghiệp nuôi gà, để có được thành công như hôm nay, cũng đã có không ít lần ông Ba khốn đốn vì gà. Năm 1997, ông bỏ ra 300 triệu đồng đầu tư trang trại ở phường Hoà Minh. Đến năm 1999, khi công việc mới vào nền nếp, thì ở Đà Nẵng diễn ra trận “đại hồng thuỷ”, nước ngập trắng băng, gà dáo dác bay, một số đậu được trên cây, còn lại bị nước lũ cuốn trôi.
Đến khi gây dựng lại trại gà, yên ổn chưa được bao lâu, thì Đà Nẵng có chỉ thị cấm chăn nuôi gia cầm trong đô thị (năm 2006), ông lại lao đao đi tìm đất, lập trang trại mới. Trang trại vừa mới dựng lên thì bão Xangsane ập đến xô đổ tan tành, trại đi đường trại, gà đi đường gà, thức ăn cho gà mới nhập về đầy kho ướt hỏng hết, hàng trăm triệu đồng lại ra đi.Nhiều người khuyên ông bỏ nghề, nhưng ông vẫn bắt đầu lại. Đến khi trang trại mới tạm yên ổn thì dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh. Địa phương có văn bản cấm mua bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm. Trại gà ông không bị dịch nhưng trứng gà không bán được. Mỗi ngày, trại gà cho ra 25.000 quả trứng, một tháng trời tồn đọng là cả một “núi” trứng. Mặc dù trứng không bán được, nhưng vẫn phải chi tiền ra để nuôi mấy chục ngàn con gà. Tiền cứ đổ ra hết triệu này đến triệu khác, có lòng gang dạ sắt cũng nhụt chí. Thời điểm đó, hàng nghìn trại gà ở Quảng Nam, Đà Nẵng sụp đổ. Ông Ba trước sau vẫn quyết tâm giữ gà. “Tôi không biết đến bao giờ dịch sẽ qua nhưng tôi tin dịch rồi sẽ hết. Lúc đó, ai có trứng gà, người đó sẽ thắng, bỏ ra bao nhiêu sẽ thu lại bấy nhiêu” – ông kể lại.
Kho không còn chỗ để chứa trứng, ông chứa luôn trong nhà. Người ra ngoài ngủ, nhường phòng lạnh chứa trứng. Trứng nhiều quá, ông bèn lấy trứng luộc lên rồi xay cho gà ăn. Rồi ông lại phải đi tìm chuyên gia để tham khảo cách thức giảm thức ăn cho gà (nhưng gà vẫn sống) để đỡ tốn chi phí và để gà giảm thời gian đẻ trứng. “Một người có kinh nghiệm ở Đăk Lăk đã bày cho tôi, đúng hơn là ông đã cứu tôi lúc nguy nan đó. Tôi giảm dần thức ăn cho gà, gà rụng hết lông, gầy xơ xác nhưng không chết, cũng không đẻ. Khi thấy dịch cúm được kìm chế, tôi tăng từ từ lượng thức ăn cho gà, chúng dần hồi phục, và đẻ đều trở lại”– ông nói.
Ông đã sống hết mình với gà và gà cũng mang lại cho ông nhiều hơn những gì ông mơ ước. Ngày trước, ông mơ được giàu, bây giờ (so với phần đông người dân), ông đã quá giàu. Theo Hội Nông dân quận Hải Châu (Đà Nẵng), sau khi trừ tất cả các chi phí, ông lãi ròng 5 triệu đồng mỗi ngày từ bán trứng. Tính ra, một năm ông lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Với thành công đó, giờ ông đã “nâng cấp” trại gà của mình lên thành Công ty TNHH Đức Nghĩa.