Khu lăng mộ này còn được biết đến với tên gọi lăng Quận Vân của Đô đốc Đại giang Quận công Đỗ Bá Phẩm, được xây dựng từ năm 1733 tại thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội.
Theo sách sử ghi lại, Quận công quê gốc ở làng Vân La Thượng, nay là xã Vân Tảo. Ông từng giữ chức trấn thủ trấn Sơn Nam và được chúa Trịnh Cương giao cho làm chức tư giảng, chuyên dạy dỗ thế tử Trịnh Giang.
Năm 1732 thế tử Trịnh Giang lên ngôi chúa, là người hôn ám, nhu nhược, không kham nổi việc nước. Hai năm sau, Đỗ Bá Phẩm bị chúa Trịnh Giang phế chức trấn thủ Nam Sơn.
Năm 1733 thấy thế đất ở đây hợp phong thủy, ông cho người chở đá từ Đông Triều (Quảng Ninh) về xây lăng làm nơi an nghỉ. Nhưng lăng chưa kịp hoàn thiện thì có gian thần trong triều dèm pha, cho rằng ông mưu đồ làm phản, nên Quận công bị đày ra Quảng Ninh rồi viên tịch ở đó.
Sau trận lũ lịch sử năm 1914, đê sông Hồng vỡ, phù sa bồi dày hơn 2 m lên cánh đồng trũng, phủ kín quần thể lăng đá.
Năm 1986, chính quyền xã cải tạo ruộng đồng, huy động máy xúc khai thác đất phù sa để trồng ngô. Khi đào đất, mọi người sững sờ khi thấy các tượng đá lộ ra. Với đẹp độc đáo của mình, khu lăng đá đã được Nhà nước công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2003.
Khu lăng mộ rộng khoảng 4 sào Bắc Bộ, chia làm 3 phần là cổng lăng, khu sinh phần và nhà mộ.
Hai hương án lớn cao 1,5m bằng đá nằm ở trước khu mộ, bốn góc trạm hoa văn.
Ngôi nhà bia có bốn cột, đỡ lấy tấm mái cong bốn phía. Nóc nhà bia có tháp cao. Toàn nhà bia cao 4m, gồm 20 chi tiết lắp ghép với nhau hoàn toàn bằng mộng, không hề sử dụng một chất kết dính nào.
Ngai thờ được đục trạm tinh xảo từ đá nguyên khối, không thua kém gì trạm khắc trên gỗ.
Thân hương án trạm phù điêu “lưỡng nghê chầu lư hương”.
Hình “lưỡng lân chầu nguyệt” góc hương án.
Cổng lăng, đi từ ngoài vào có tượng chó đeo vòng lục lạc, ngồi canh cổng. Hiện tại chỉ còn 1 con không còn nguyên vẹn.
Qua tượng chó đến hai pho tượng võ sĩ lực lưỡng, được chạm khắc theo phương pháp tả thực, đường nét và hình khối tinh xảo, cân đối nên nhìn hai pho tượng như hai võ sĩ thật trước cửa các cung đình.
Cách hương án tiền gần 4m, mỗi bên có một tượng "Voi phục". Các nhà khảo cổ học đánh giá đôi tượng voi này là một trường hợp hiếm thấy ở nước ta vì kích thước rất lớn, gần bằng voi thật.
Tượng ngựa có dáng chân thấp, mình tròn, trạm trổ lục lạc, yên cương.
Tượng chó, cũng có tỷ lệ như con vật thật, chầu trước hai hương án đặt liền nhau, gọi là hương án trung, cái sau cao hơn cái trước.
Đôi Nghê chầu hai cánh nhà bia, mồn ngậm hạt ngọc, đầu và mình được khắc những hình văn xoắn, cổ đeo vòng nhạc, hình dáng khỏe khoắn và sinh động. Nghê bên trái đặt chân lên nghê con, nghê bên phảo đặt chân lên quả cầu.
Một số bia đá không còn nguyên vẹn do tác động của thời gian.