Dân Việt

“Giải cứu” các nhà máy đường

14/05/2011 06:51 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Công Thương tại cuộc họp báo ngày 13.5 về cân đối cung-cầu và điều hành nhập khẩu đường năm 2011.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, vụ sản xuất mía đường 2010-2011 sẽ kết thúc vào cuối tháng 5.2011, dự kiến sản lượng sẽ đạt 1,1 triệu tấn (nhu cầu cả nước là 1,4 triệu tấn), cao hơn 100.000 tấn so với dự báo trước đó.

img
Sản xuất đường tại Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai).

Khó khăn do... tâm lý

Lượng đường tồn kho của các nhà máy đến hết 15.4 là 525.000 tấn, cao hơn cùng kỳ 142.000 tấn. Giá bán buôn đường RE hiện khoảng 17.000-18.500 đồng/kg, đường trắng RE 18.000-20.000 đồng/kg, giảm 500-1.000 đồng/kg so với đầu năm nhưng vẫn cao hơn 2.500-3.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2010.

Cũng theo Bộ Công Thương, lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch năm 2011 là 250.000 tấn; 4 tháng đầu năm nay, lượng đường nhập về mới khoảng 53.250 tấn... Nguồn đường nhập khẩu không lớn, không tác động xấu đến sản xuất và tiêu thụ đường trong nước...

Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) thống nhất với những đánh giá của Bộ Công Thương và cho rằng, việc cân đối cho nhập 250.000 tấn đường năm nay là phù hợp.

Tuy nhiên, ông Hòa khẳng định, việc Bộ Công Thương cho nhập đường trong bối cảnh các nhà máy đường trong nước tồn kho lớn là có ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Ông Hòa cho biết, hiện các nhà phân phối không mua đường dự trữ như mọi năm nên các nhà máy đường phải "gánh" việc dự trữ đường. Và cũng vì nghĩ còn có hạn ngạch nhập đường nên các khách hàng trong nước càng chần chừ không mua đường, khiến các nhà máy vô cùng khó khăn.

Ông Nguyễn Thành Long -Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN thì cho rằng, trong bối cảnh giá đường giảm, quyết định cho nhập đường ngay từ đầu vụ đã có ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý khiến các nhà thương mại không mua đường, gây khó khăn cho các nhà máy đường trong nước. Do sức ép lãi suất, các nhà máy đường nỗ lực bán, thậm chí hạ giá để bán đường mà vẫn không bán được hàng.

"Chúng tôi đã thực sự bị thiệt hại kép. Các nhà thương mại không mua đường, chúng tôi phải dự trữ trong khi mía của nông dân vẫn phải mua và trả tiền để sản xuất. Với lãi suất cao như hiện nay làm sao chúng tôi chịu nổi"-ông Long bức xúc.

"Xin không hạ giá đường"

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy đường, ông Hòa đề nghị Bộ Công Thương tạo tâm lý kích thích tiêu dùng đường trong nước phát triển. Bộ Công Thương có thể tạm ngưng việc nhập khẩu đường đồng thời kiến nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất dự trữ đường cho một số nhà máy đường đỡ sức ép lãi suất cao cho doanh nghiệp.

Chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà máy không ký nhập đường thô. Các nhà thương mại không mở tín dụng thư (L/C) nhập đường đến hết tháng 7 tới, thậm chí có thể kéo dài đến hết tháng 8 sang tháng 9.

Vấn đề nóng nhất và được hỏi nhiều nhất tại cuộc họp này chính là tại sao đường tồn kho lớn, song trên thị trường người tiêu dùng vẫn phải mua đường với giá lên tới 26.000-27.000 đồng/kg?

Ông Long thừa nhận giá này là "hơi cao" song "xin không hạ giá đường”. Bởi theo ông Long, hiện giá đường của nhà máy là phù hợp với giá mua mía của nông dân (1 triệu đồng/tấn mía), nếu hạ giá đường sẽ ảnh hưởng tới giá thu mua mía. Còn người tiêu dùng phải mua đường giá cao là do chi phí lưu thông quá cao...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên thừa nhận: Hạn ngạch đường đã cấp dù chưa nhập về cũng gây ảnh hưởng tới tâm lý, giá cả cộng thêm chi phí, lãi suất tăng cao... đã làm cho tình hình ngành mía đường thêm khó khăn.

Ông Biên nói: "Sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ rà soát lại sản xuất, cân đối cung cầu đường từ nay đến hết năm. Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ giãn tiến độ nhập đường, yêu cầu doanh nghiệp không ký hợp đồng nhập đường mới để đảm bảo không gây biến động đến thị trường trong nước.