Dân Việt

Nơi “sơn kỳ thủy tú” Ngũ Hành Sơn

Bích Lâm 26/12/2014 10:10 GMT+7
Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) là quần thể 5 ngọn núi Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ có nhiều huyền thoại khác nhau. Ngũ Hành Sơn là một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú”, huyền ảo thơ mộng mà tạo hóa đã ban tặng cho Đà Nẵng.

Năm ngọn núi trụ trời

Quần thể thắng cảnh Ngũ Hành Sơn nằm trên địa phận phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm TP.Đà Nẵng 8km về phía Đông Nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng- Hội An. Những núi đá vôi nằm rải rác trên diện tích khoảng 2km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Thủy Sơn và Hỏa Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong.

img
Một góc của danh thắng Ngũ Hành Sơn. Cỏ cây chen lẫn núi đá Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Bích Lâm)

Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất và cũng kiều diễm nhất. Núi cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Đây là nơi tập trung nhiều hang động, chùa chiền nhất. Về hang động, trên ngọn Thủy Sơn có Hóa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham, Lăng Hư, Vân Thông, Thiên Long, Bàn Cờ, Tàng Chân, Chiêm Thành và Vọng Hải Đài, Vọng Giang Đài. Ngoài ra, nơi đây còn có các ngôi chùa Tam Thai, Tam Tôn, Linh Ứng…

Tương truyền gần 200 năm trước, Vua Minh Mạng đã từng vi hành đến vùng đất “sơn kỳ thủy tú” này du ngoạn, thưởng lãm khắp các danh thắng và đặt tên cho núi, cho các hang động, chùa chiền. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp lại dựa vào chất liệu của núi đá để đặt tên cho thắng cảnh là “Les montagnes de marbre” (Những ngọn núi đá cẩm thạch).

Hệ thống hang động độc đáo

Các động tại Ngũ Hành Sơn được xem là Nam thiên danh thắng từ bao đời nay. Ngay dưới chân ngọn Kim Sơn có một hang động dài hơn 50m, rộng gần 10m, cao khoảng 10 - 15m. Lối vào động là những bậc đá tự nhiên, bên trong là những lớp thạch nhũ bám vào vách núi tạo thành hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao bằng người thật rất thanh tú. Tượng thạch nhũ này còn sinh động hơn nhờ một lớp nhũ đá lấp lánh như dải kim tuyến phủ từ bờ vai đến gót chân tượng. Dưới chân tượng là một con rồng đang cuộn mình giữa những làn sóng. Đặc biệt, phía sau Bồ Tát còn có một hình tượng nhỏ hơn trông như Thiện Tài đồng tử và bên trái là hình chim Khổng Tước, hai cánh xoè rộng toả khắp trần động. Có thể nói đây là bức phù điêu tuyệt mỹ mà thiên nhiên đã ban cho Kim Sơn.

Sau khi phát hiện ra động vào năm 1950, hoà thượng Thích Pháp Nhãn đã cho mở rộng lối vào động và xây dựng chùa Quán Thế Âm. Chùa dựa lưng vào ngọn Kim Sơn, ngoảnh mặt ra khúc sông đầy hoa sen thơm ngát. Hàng năm vào mùa lễ hội đầu xuân (19.2 âm lịch), chùa mở hội lấy tên là Hội Quán Âm.

Khi đến Vọng Giang, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn thấy dòng sông Cẩm Lệ, dòng sông Hàn đẹp như tranh vẽ… Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng phải bước lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phía nam phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc.

Đến với Ngũ Hành Sơn, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian của những lễ hội, của phong cảnh hữu tình, của làng nghề nhộn nhịp… mà còn có được một kỳ nghỉ dưỡng lý tưởng bên bãi biển Non Nước. Ngũ Hành Sơn được ví như hòn non bộ khổng lồ giữa lòng TP.Đà Nẵng. Cùng với Bà Nà, Sơn Trà, nơi đây được xem là điểm dừng chân hấp dẫn đối với khách du lịch mỗi khi đến với miền Trung trên hành trình khám phá các di sản thế giới.

Ông Lê Quang Tươi - Trưởng Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết: “Từ tháng 2 đến hết tháng 3.2015, chúng tôi sẽ áp dụng chính sách kích cầu, giảm giá vé để thu hút khách. Các đoàn khách đi đông từ 10 người trở lên sẽ được giảm giá vé theo tỷ lệ tương ứng”.