Chợ được hình thành từ việc người dân địa phương cùng với tư thương các nơi đến huyện Pác Năm để mua bò, nhưng vì điều kiện đi lại vào các thôn bản khó khăn, nhất là vào những năm của thập niên 80 của thế kỷ XX, đường xá ở vùng cao này cực kỳ khó khăn.
Chính vì vậy, tư thương đã cùng với một số người dân quy định địa điểm và theo ngày để những người có trâu, bò muốn bán tập trung lại và “chợ bò” Nghiên Loan hình thành như thế.
Kể từ đó đến nay, cứ 5 ngày một phiên, vào ngày 3 và 8 (âm lịch) “chợ bò” lại được họp tại con đường nối Bản Đính và Bản Khuổi Ún, nay đã được san gạt một quả đồi để phục vụ giao thương.
Nhộn nhịp kẻ bán, người mua
Ông Đặng Văn Nhất, người dân tộc Dao, Bí thư đảng ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghiên Loan cho biết "chợ bò" Nghiên Loan được hình thành từ năm 1988, do tự phát từ nhu cầu mua bán bò của người dân địa phương và những lái bò từ các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang và cả một số tỉnh miền xuôi như Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội.
Chợ quy định họp theo phiên, nhưng ngay từ chiều hôm trước phiên chính, chợ đã khá tấp nập. Những người mua bán bò ở xa thường tập trung về chợ vào chiều hôm trước để tìm chỗ ở trọ, chuẩn bị cho một ngày mua may, bán đắt.
Đúng ngày phiên, chợ càng trở nên tấp nập đông vui.
Toàn cảnh chợ bò Nghiên Loan. (Ảnh: Nguyễn Trình-Đức Hiếu/Vietnam+)
Chúng tôi đến “chợ bò” vào ngày 3.10 âm lịch (ngày 24.12), trời khá lạnh nhưng không khí mua bán ở chợ rất náo nhiệt. Người dân địa phương ở gần thì đưa trâu, bò đến chợ từ sáng sớm, những người ở xa hơn thì đến từ hôm trước.
Hoạt động mua bán ở chợ diễn ra đơn giản, người bán đưa giá, người mua được quyền trả giá tùy thích đến khi hai bên thỏa thuận được thì đếm tiền, dắt trâu.
Những người mua trâu, bò về đổ cho các lò mổ thường họ quan tâm đến lượng “thịt”. Khách mua thường dựa theo kinh nghiệm để định lượng giá trị của trâu, bò.
Ông Ma Kiên Lưu, đến từ thành phố Cao Bằng cho biết: “Tôi thường xuyên đến chợ này để mua trâu, bò. Ở đây mua bán dễ và nhanh. Người dân thật thà, không nói thách lắm. Đặc biệt, trâu, bò ở đây không có bệnh, nuôi thả tự nhiên là chính nên thịt ngon, đưa về các đô thị rất dễ bán. Mỗi phiên chợ tôi đều mua từ 9-10 con cả trâu và bò. Mỗi tháng tôi mua ở chợ này khoảng gần 100 con trâu, bò.”
Trâu, bò hiện đang được giá, con trâu to, béo, khoảng từ 3-4 năm có thể bán được gần 40 triệu đồng. Tùy từng con to nhỏ mà giá bán khác nhau, chẳng hạn một con nghé 1 năm tuổi cũng phải có giá trên 10 triệu đồng.
Người mua xem xét kỹ trước khi trả giá. (Ảnh: Nguyễn Trình-Đức Hiếu/Vietnam+)
Thông thường người dân địa phương đến chợ để mua bê, nghé hoặc những con trâu, bò gày về để nuôi cho lớn, cho béo để những phiên chợ sau họ đưa đến chợ bán, có lãi là bán. Cũng có người đến chợ này để chọn mua những con trâu bò thiết thực cho công việc đồng áng và sinh sản.
Hai vợ chồng ông Dương Văn Ky và Hoàng Thị De, người dân tộc Mông ở thôn Nà Phay, xã Nghiên Loan đến chợ để mua một con bò. Ông Ky nói: "Hai vợ chồng mình đi chợ lần này để mua một con bò cái, khoảng 20 triệu đồng. Nhà mình hiện có 5 con bò rồi, nhưng mình mua thêm một con nữa về để cho nó đẻ. Mình vừa bán được một con bò đực hơn 20 triệu đồng nên có tiền để mua con mới."
Ông Hầu Văn Khau, người dân tộc Mông ở Bản Na, Nghiên Loan (Pác Nặm) vừa mua được một con trâu với giá 26 triệu đồng. Ông phấn khởi nói: "Con trâu này có thể kéo cày được, kéo xe được. Mình đi mấy lần chợ rồi mới mua được con này. Nó sẽ làm được nhiều việc, cả việc phối giống nữa."
Ông Nguyễn Văn Vích, người thôn Lồm Mèo, xã Chu Hương, huyện Ba Bể đi gần 20km để bán 5 con bò. Con lớn nhất của ông 4 tuổi đã ra giá 16,5 triệu đồng, nhỏ nhất là con bê 1 tuổi cũng được ra giá 8 triệu đồng.
Ông Vích cho biết: “Mình chuyên đi bán bò, phiên chợ nào cũng đưa đến chợ 5-6 con, mình cứ mua lại của người dân địa phương, rồi đưa đến chợ bán. May thì lãi được một, hai triệu đồng/con, có khi lãi 200-300.000 đồng/con cũng bán, có lúc còn phải chấp nhận lỗ, nhưng buôn bán là thế.”
Cùng với sự phát triển chung của ngành chăn nuôi đại gia súc, trước đây chợ chủ yếu bán bò, nay thì trâu được bán nhiều hơn, cả ngựa cũng được bán tại đây.
Ông Hoàng Văn Phùng, người dân tộc Tày ở Dổ Phay, Nghiên Loan (Pác Nặm) có một con ngựa 4 tuổi được rao bán với giá 22 triệu đồng. Ông nói: "Có người trả 21 triệu đồng rồi, nhưng mình không bán, phải được 22 triệu đồng mới bán."
Ở chợ này rất nhiều con trâu gầy, những con này thường được các gia đình có điều kiện và những thương lái chọn mua để về vỗ béo rồi bán sẽ được giá hơn.
Ông Lương Văn Thuật, ở Khang Ninh, huyện Ba Bể bỏ ra gần 60 triệu đồng để mua 3 con trâu to nhưng gầy. Ông Thuật nói: "Mình có nơi chăn thả, mua về nuôi khoảng 1-2 tháng lại đem đến chợ này bán, cũng lãi được vài triệu đồng một con."
Không chỉ là kẻ bán-người mua
“Chợ bò” ở Nghiên Loan không chỉ là truyền thống, ở đây không đơn thuần là mua bán, mà còn thể hiện nét văn hóa chợ vùng cao. Người đến chợ không đơn thuần để mua, để bán, mà họ đến đây để giao lưu, để học hỏi, để thưởng thức không khí chợ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Chính vì thế giao thương ngày càng mở rộng và cũng có thêm những hoạt động mới mà không phải ai cũng biết.
Thương vụ thành công, người mua trả tiền người bán. (Ảnh: Nguyễn Trình-Đức Hiếu/Vietnam+)
Việc các thương lái mua trâu bò và những người bán gia súc từ xa đến trọ qua đêm cũng tạo ra nhiều dịch vụ “ăn theo.” Người có nhà gần chợ thì mở quán ăn, chuẩn bị giường chiếu để khách ngủ trọ, nhiều người chọn việc trồng cỏ để bán cho những người mùa bán trậu, bò.
Mỗi phiên chợ, nhiều người cũng thu nhập được tầm 200-500.000 từ việc bán cỏ. Với những con trâu, bò chưa bán được, nhà lại ở xa nên chủ không dắt về mà thường gửi những gia đình ở gần chợ nuôi thuê với giá khoảng 15-20.000 đồng/con/ngày để phiên sau lại mang ra bán.
Cùng với sự phát triển từng ngày của chợ, tại đây đã cũng hình thành dịch vụ dắt trâu, bò thuê cho thương lái, tùy quãng đường xa, gần mà có giá khác nhau.
Ông Dương Văn Chung, thôn Nà Du, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, một người chuyên dắt trâu, bò thuê cho biết: "Mình chuyên đi dắt trâu, bò thuê từ hơn 10 năm nay rồi. Mỗi con dắt từ xã Bành Trạch lên chợ Nghiên Loan được trả 50.000-60.000 đồng. Trước đây nhiều người làm nghề này, nay ít rồi, vì những người ở xa đã chở bằng xe ôtô."
Hai vợ chồng Giàng Văn Páo, người dân tộc Mông ở Bản Cảm, xã Cổ Linh đang thử rượu, cả hai đều thử khá nhiều nên mặt đỏ gay. Páo nói: "Mình xuống chợ để đi xem người ta mua bán trâu bò thôi, lần tới mới mang trâu đến bán, tiện thể mua quần áo cho con. Ở đây còn được nghe hát, nghe thổi khèn nên vui lắm."
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đặng Ngọc Nhất cho biết: "Nhờ có 'chợ bò' mà người dân ở các thôn lân cận có thêm việc làm như dắt bò thuê, bán cỏ, cây lá cho trâu, bò và phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho khách đi chợ. Thường xuyên có khoảng 200 người làm những công việc phục vụ cho khách đi chợ. Có 'chợ bò' cũng khuyến khích người dân chăn nuôi nhiều hơn."
Xã Nghiên Loan mỗi năm đàn trâu, bò, ngựa đều tăng thêm. Hiện toàn xã có đến 2.254 con gia súc, trung bình mỗi gia đình có trên 2 con. Chăn nuôi đã giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Ở “chợ bò” ngoài việc mua bán, các phiên chợ còn có giao lưu văn nghệ, thổi khèn, múa, hát theo yêu cầu của khách đi chợ. Những món ăn dân tộc của người địa phương như mèn mén, các loại bánh dậm, bánh gio… cũng được bán nhiều.
Chủ tịch Đặng Ngọc Nhất chia sẻ: "Chúng tôi có ý tưởng mở rộng chợ, làm một nhà văn hóa vừa để sinh hoạt cộng đồng vừa để biểu diễn các tiết mục văn nghệ của người dân địa phương. Hiện nay, chúng tôi đã có được một vài người thổi khèn và múa rất hay, nhưng nếu không có nhà văn hóa và được biểu diễn thường xuyên, sẽ không có các lớp kế cận, có thể sau này sẽ mai một đi những điệu múa, tiếng khèn. Mong Nhà nước có hỗ trợ đầu tư cho chúng tôi một nhà văn hóa và mở rộng thêm mặt bằng chợ để đáp ứng được nhu cầu mua bán trâu, bò của người dân địa phương và các vùng lân cận".