Dân Việt

Cô gái Việt xấu số tại Nga đã về đất mẹ

Trang Nguyễn (từ Mátxcơva) 27/12/2014 08:01 GMT+7
Sáng 26.12, thi thể của cô gái Việt xấu số Thái Thị Trinh, sinh năm 1994, quê Yên Thành, Nghệ An đã được đưa về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), nhờ có sự giúp đỡ tài chính của nhiều người Việt sống ở nước Nga.

Tốt nghiệp lớp 12, Trinh nghe theo lời của một người bạn đi xuất khẩu lao động sang Nga. Những tưởng cuộc sống của Trinh sẽ bước sang một trang mới, khi em may mắn được nhận vào làm ở một trang trại trồng rau ở ngoại ô Mátxcơva thì bi kịch bắt đầu từ đây.

Đau lòng kiếp tha hương

Ngày 18.12.2014, sau gần 7 tháng lưu lạc ở xứ người, cảnh sát Mátxcơva bất ngờ vào kiểm tra đột xuất nơi Trinh đang làm việc. Lo sợ bị phát hiện, em đã chạy vào rừng trốn và bị lạc khi trên người chỉ mặc một bộ đồ mỏng với cái lạnh khi đêm xuống -12°C. Cả đêm không thấy em về, mọi người đổ xô đi tìm thì phát hiện Trinh đã chết vì quá lạnh và đói.

img
Em Thái Thị Trinh trước khi gặp nạn. 

Từ khi biết tin, tôi không sao ngủ được. Cứ nhắm mắt là nhớ đến gương mặt trẻ thơ với đôi mắt thiên thần của Trinh. Na ná như những số phận tha hương kiếm sống, Trinh bước chân sang Nga từ một làng quê sỏi đá miền Trung chỉ chưa đầy 7 tháng trước.

Ở khắp khu trồng rau, xưởng may ở ngoại ô Mátxcơva có đến hàng trăm người làng, người huyện quê em, không ít lần tôi run tay viết hai chữ “Yên Thành” trong cuốn sổ nhỏ, trong đó có tên người đã mất, có tên người gánh thương tật cả đời sau chuyến đi Nga. Danh sách ngày càng dài, tôi đã bắt đầu quên tên của họ.

Nhưng lần này có lẽ sẽ khó quên. Trinh chỉ lớn hơn con gái tôi 2 tuổi, là con út trong một gia đình có 4 chị em, ba là thương binh và chị gái bị nhiễm chất độc da cam, chẳng còn ai đủ sáng suốt để đón hung tin về con gái. Chỉ nghe được tiếng mẹ em đứt quãng theo tiếng nấc: “Trinh nó ngoan lắm mà”.

Theo người cùng làng, Trinh sang đây làm cho một chủ đồng rau “đầu đen”, vỏn vẹn chỉ biết số điện thoại và cái tên hai chữ Eric. Chẳng cần biết gì, mọi chuyện của em đã có chị tổ trưởng người Việt đứng ra lo. Chị cũng là người quê cả, lõm bõm đôi từ tiếng Nga đủ để ghi sổ, nhận rồi phát tiền hàng tháng. Lúc cuối hè, em thu hoạch rau thơm ngoài cánh đồng, nắng nhạt mùa thu không đủ làm sạm nước da trắng hồng của tuổi đôi mươi. Tuyết trắng đồng, ai nấy đều phải trú vào nhà kính, người chật việc ít, ông chủ chở Trinh và hơn chục người xuống đâu, không ai rõ. Chỉ biết là đến chỗ nhặt sạch rau củ để đóng gói. Tới khi xảy ra chuyện mới biết tên làng nơi em đã đến và mãi mãi ra đi.

Ra đi như một giấc mơ

Sáng sớm hôm đó, cảnh sát tới kiểm tra chỗ em làm, mọi người được lùa ra rừng để trốn. Chuyện này đã thành quen đối với người lao động nước ngoài sống cuộc đời bất hợp pháp ở Nga, chỉ có cánh rừng mới lạ lẫm, không hiểu đâu là lối ra. Em bám theo Khánh là hàng xóm ở Việt Nam, hai đứa cứ chạy mãi, bỏ lại phía sau những hàng cây trắng tuyết.

Chiếc điện thoại của Khánh chỉ đủ pin để báo với mọi người là hai đứa bị lạc. Mãi đến chiều hôm sau, người ta mới tìm thấy hai đứa núp dưới gốc cây, khi đó Khánh vẫn nửa tỉnh nửa mê, Trinh đã ngất lịm. Nhóm thanh niên Trung Á cõng em ra đến đường đã có xe chờ sẵn, bác sĩ cấp cứu nguầy nguậy lắc đầu, đo nhịp tim lần cuối: 14 giờ 30 phút.

Em ra đi trong giấc mơ, hệt như “Cô bé bán diêm” của nhà văn Andersen, miệng vẫn hé mở như đang cười. Đúng ngày Giáng sinh, em được đưa về đất mẹ, có phải đó là điều trùng hợp? Trong cánh rừng ngôi làng ngoại ô mang tên “Lời Chúa Trời”, em như thiên thần nhỏ bay khỏi chốn trần gian.

Bóng tối, cơn lạnh lẫn cơn đói đêm đó phủ lên hình hài em bé nhỏ ốm yếu, núp giữa những gốc cây cao để tránh cơn gió quái ác và cố tìm chút hơi ấm. Còn có Khánh cạnh bên, nhưng chẳng có que diêm nào thắp lên chút ánh sáng hy vọng nhỏ nhoi cho hai đứa trong đêm đen buốt giá. Chỉ có giấc mơ đưa em về nhà, em có cảm thấy ấm áp trong vòng tay trìu mến của ba mẹ? Chắc hẳn trong mơ em thấy mình mang được nhiều tiền trở về để chữa bệnh cho ba và chị gái như nguyện ước lúc ban đầu em xin mẹ đi Nga?!

Lần này, ông chủ "đầu đen" sẵn sàng bỏ tiền đưa Trinh về lại Việt Nam, cũng là điều may mắn hơn nhiều trường hợp phải "chết bờ, chết bụi" nhưng ông bà chủ đã trốn bặt tăm. Cuối năm chuyện buồn ở xứ này lan tin nhanh như gió, ai cũng thấy lòng chùng xuống, cũng muốn làm được điều gì đó cho em.

Em ra đi trong giấc mơ, hệt như “ Cô bé bán diêm” của Nhà văn Andersen, miệng vẫn hé mở như đang cười. Đúng ngày Giáng sinh, em được đưa về đất mẹ, có phải đó là điều trùng hợp?