Dân Việt

Không đưa cước vận tải vào bình ổn giá

Tiền Phong 27/12/2014 10:06 GMT+7
Bộ Tài chính cho rằng, với tình hình hiện tại, không cần thiết phải đưa cước vận tải vào danh mục bình ổn giá.

Liên quan đề nghị của Bộ GTVT bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá, Bộ Tài chính cho biết: Theo quy định Luật giá hiện hành, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

img

Bộ Tài chính cho rằng: không cần thiết phải đưa cước vận tải vào danh mục bình ổn giá. Ảnh: Hồng Vĩnh.

 

Cụ thể, Điều 15 của Luật Giá ghi rõ “giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa” không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Bên cạnh đó, loại hình kinh doanh vận tải ô tô hiện đang có sự cạnh tranh rộng rãi và mạnh mẽ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp vận tải, giá cước vận tải ô tô được hình thành trên cơ sở cung cầu của thị trường, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã cạnh tranh bằng cách hạ giá cước vận tải để thu hút khách hàng. Vì thế, Bộ Tài chính cho rằng, chưa cần thiết đề nghị lên Chính phủ bổ sung “giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa” vào danh mục bình ổn giá.

Liên quan đến đề nghị tất cả các loại giá cước vận tải bằng xe ô tô đều bắt buộc kê khai giá, Bộ Tài chính cho biết hiện tất cả các loại giá cước vận tải bằng xe ô tô đều đã có quy định pháp luật điều chỉnh nội dung kê khai giá. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh có đủ thẩm quyền bổ sung các dịch vụ kinh doanh vận tải bằng hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô vào danh mục phải thực hiện kê khai giá tại địa phương. Vì thế, Bộ Tài chính cho rằng chưa cần thiết thay đổi lúc này.

Ngày 26/12, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ban hành hai chỉ thị về lĩnh vực hàng không. Chỉ thị thứ nhất yêu cầu bổ sung đối tượng người có công với cách mạng vào danh sách hành khách được ưu tiên phục vụ tại các cảng hàng không. Cụ thể, người có công theo quy định (người hoạt động cách mạng trước 1945; Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; thương, bệnh binh...) được hưởng chế độ ưu tiên làm thủ tục hàng không, có lối đi riêng để vào làm thủ tục soi chiếu an ninh và lên tàu bay... như khách hạng thương gia.

Chỉ thị thứ hai, Bộ trưởng GTVT yêu cầu giảm giá cước vận chuyển tại các đường bay ngắn. Hiện, những đường bay có cự ly ngắn, khoảng cách dưới 500km chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhưng giá vé đang quá cao (giá trần chặng bay là 1,7 triệu đồng).

Không thu phí cầu Nhật Tân và đường Nhật Tân - Nội Bài

Ngày 26/12, Bộ GTVT cho biết, ngày 4/1/2015 tới, sẽ đưa vào sử dụng cụm 4 dự án: cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga T2 và Nhà khách VIP tại sân bay Nội Bài. Theo đó, sẽ không thu phí tại cầu Nhật Tân và đường Nhật Tân - Nội Bài.

Theo thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường, các dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và TP Hà Nội. Đến nay, các dự án đều hoàn thành đúng thiết kế, không vượt tổng mức tổng đầu tư. Trong đó, cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư 13,6 nghìn tỷ đồng; đường nối Nhật Tân - Nội Bài 6,7 nghìn tỷ đồng; Nhà ga T2 hơn 20 nghìn tỷ đồng và Nhà ga Vip A 300 tỷ đồng.

Hiện nay, các dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, dọn dẹp vệ sinh sau thi công. Bộ GTVT sẽ xây dựng thêm cầu vượt nhẹ tại các nút giao trên tuyến Nhật Tân - Nội Bài bằng vốn dư của dự án cầu Nhật Tân trong năm 2015.