Dân Việt

“Tự bơi, EVN sẽ lỗ nặng”

Mai Hương 31/12/2014 08:32 GMT+7
Năm 2014,  một loạt chi phí của EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đang bị “treo” lại, ước lên hơn 8.800 tỷ đồng. Với chi phí này khả năng giá điện trong năm 2015 tăng lên sẽ khó tránh khỏi…

Nhiều chi phí “treo lại”

Hôm qua 29.12, Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương đã họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 đã được EVN báo cáo có kiểm toán độc lập bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam. Theo đó, tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2013 của EVN là 4.938,44 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng chi phí chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến 31.12.2013 của tập đoàn này vẫn “treo lại” là 8.811,71 tỷ đồng.

img
3 mức tăng giá điện đã được  đưa ra, trong đó phương án tăng 9,5% đang được ủng hộ. Ảnh: Đàm Duy
Ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, trên cơ sở giá thành sản xuất điện của EVN được công bố, Bộ Công Thương sẽ xem xét phương án đề xuất tăng giá điện của EVN. Theo đó, nếu chi phí đầu vào của EVN tăng 7-10% thì cho phép tập đoàn này được tăng giá điện; nếu tăng trên 10% và giá điện nằm ngoài khung giá phát 1.437-1.835 đồng/kWh thì Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính thẩm tra trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

 

Ông Đinh Quang Tri-Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định: Năm 2014, giá điện không tăng lên nhưng một loạt chi phí của EVN trong năm 2014 vẫn “treo” ở đó. Cụ thể, năm 2014, giá than bán cho điện đã hai lần tăng 15,6% và ngày 22.7.2014 giá than bán cho điện đã đạt 1.750.000 đồng/tấn, tăng tiếp 4-7,4%. Giá khí bao tiêu cũng tăng 2% theo giá USD, tỷ giá này thay đổi thì mức tăng này tiếp tục nhân lên. Giá khí ngoài bao tiêu cũng ngày một tăng, dự kiến Chính phủ sẽ còn tiếp tục điều chỉnh giá khí để thị trường hóa giá khí, khi đó chi phí của EVN sẽ còn đội lên nữa.

Khó kìm tăng giá điện

Theo quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ, 4 yếu tố được tính để xem xét việc điều chỉnh giá điện. Đó là nhiên liệu (than, khí, dầu), cơ cấu nguồn phát, tỷ giá, giá truyền tải và phụ trợ. Nếu 4 yếu tố này có chi phí tăng lên giá điện sẽ tăng lên, nếu giảm thì giá điện sẽ giảm.

Ông Tri khẳng định: Để kìm hãm việc tăng giá điện thì phải có giải pháp kèm theo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN, như cho phép EVN thanh toán chậm tiền khí, hoãn hạch toán bù chênh lệch tỷ giá…; còn nếu để EVN “tự bơi” thì sẽ lỗ, “chết luôn”-ông Tri nói. Năm 2014, theo công bố tạm tính của ông Tri, lãi công ty mẹ EVN chỉ đạt 300 tỷ đồng. “Đây chỉ là hạch toán cân bằng tài chính vì lãi ít quá, EVN đã phải xin hoãn hạch toán bù chênh lệch tỷ giá, nếu tính vào thì sẽ lỗ”-ông Tri nói.

Trước đó, Tổ công tác về giá điện đã có cuộc họp xem xét câu chuyện tăng giá điện, trước khi đề xuất phương án chính thức lên Chính phủ. Các nguồn tin cho hay, có 3 mức đề xuất tăng giá điện được đưa ra và các bộ liên quan đang ủng hộ mạnh cho phương án tăng thêm 9,5% so với mức giá hiện tại. Cho tới thời điểm này, việc tăng giá điện chỉ còn là vấn đề thời điểm, lần tăng giá điện mới nhất là vào tháng 8.2013.

  Ông Nguyễn Anh Tuấn  khẳng định: Giá dầu giảm hiện nay chưa phải là yếu tố duy nhất để xem xét cơ cấu giá điện. Bởi giá than, khí bán cho điện đều mua ở trong nước, không phụ thuộc giá dầu. Cơ cấu nguồn phát ảnh hưởng lớn đến giá thành điện, EVN phải chạy điện than, khí nhiều thì giá thành điện sẽ tăng lên.