Dân Việt

“Nghệ sĩ” sáng tạo máy cho nông dân

Song Anh 01/01/2015 06:56 GMT+7
Dáng người thanh, cao ráo, tóc dài chải mượt cột thành đuôi gà phía sau, đôi mắt long lanh mơ màng ẩn sau làn khói thuốc, nhìn anh cứ như một nghệ sĩ. Mấy ai nghĩ đấy chính là một anh thợ cơ khí chính hiệu, tối ngày lấm lem dầu mỡ, sáng chế ra hàng chục loại máy nông nghiệp khác nhau phục vụ nông dân. 

Anh là Lê Thanh Trị - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Thanh Trị ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

“Nàng thơ” của nông dân

Gặp anh ở TP.HCM, hỏi thăm sau bao nhiêu tháng không gặp, anh đã “cua” được thêm bao nhiêu “nàng thơ”? Cười rộn ràng, anh khoe rằng vừa bay từ Hà Nội về và “nàng thơ” mới nhất của anh là các cô bác trồng ngô (bắp) ở Thanh Trì. Số là năm ngoái, có dịp ra đây chơi, anh nghe các cô bác than là không có giống ngô nào ngắn ngày một chút để trồng thêm được 1 vụ chạy trước khi mùa đông tới. Rồi hôm sau anh gặp mấy cán bộ, chuyên gia bên Viện Nghiên cứu khoa học nông nghiệp Việt Nam, cũng nghe than y như thế. Thế là anh chợt lóe lên ý nghĩ: Đâu cần có phải có giống mới, sao mình không giúp bà con chế ra một loại máy móc tiết kiệm thời gian trồng trọt nhỉ? “Ý thơ” đã có, thế là anh bắt tay vào nghiên cứu ngay và 1 năm sau đã cho ra đời cả một hệ thống máy móc trồng ngô phục vụ cho bà con miền Bắc.

img   
Anh Lê Thanh Trị (áo trắng) giới thiệu máy gieo hạt trên khay,
 máy ép giá thể với khách hàng trong nước và Malaysia.  

Đầu tiên, theo đơn đặt hàng của bà con, anh chế ra cái máy gieo hạt ngô trong bầu với công suất khá lớn, 24.000 cây/giờ. Với cái máy này, từ khi vụ trước chưa thu hoạch, bà con đã có thể gieo hạt cho vụ sau trong các bầu đất. Cây gieo trong bầu sẽ cứng cáp, khỏe mạnh hơn gieo trực tiếp ngoài ruộng, sau 15 ngày thành cây con, bà con có thể đem ra ruộng trồng. Như thế đã tiết kiệm được 15 ngày, dư sức cho bà con trồng thêm được một vụ trước khi mùa đông tới. Sau đó anh chế tiếp máy trồng ngô trong bầu ra ruộng (công suất 4ha/ngày), rồi máy thu hoạch ngô (công suất 6ha/ngày) để giúp cho bà con cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất nhằm giảm công lao động và thất thoát trong quá trình thu hoạch, từ đó giảm giá thành sản phẩm. “Cả một hệ thống máy móc công nghệ này là hoàn toàn mới chưa có ở Việt Nam, máy nhập cũng chưa có nên có thể nói là anh là người sáng chế đầu tiên ở Việt Nam đó nhe. Anh cũng vừa cho thử nghiệm chạy trên đồng ruộng ở Thanh Trì, máy chạy rất tốt” - anh Trị cười khoe.

img

Khi tôi bày tỏ băn khoăn là không biết các máy móc này có đắt tiền lắm không, bà con nông dân trồng ngô bình thường có mua nổi không, thì anh nhìn tôi có vẻ giận, ý như là tôi đã xúc phạm đến anh và các “nàng thơ” của anh. Bởi chẳng ai làm thơ ra để kinh doanh cả. “Trước giờ máy móc mình làm ra hầu như bán dưới giá thành, chỉ lấy vừa đủ để có chi phí tiếp tục sáng chế ra những cái máy khác, phục vụ tiếp cho các “nàng thơ” nông dân khác. Những từ ngữ như công nghiên cứu, chi phí sáng tạo hay tiền bản quyền đối với mình là những thuật ngữ “tiếng nước ngoài” đấy, nghe không hiểu đâu (nháy mắt). Nếu muốn làm giàu, mình đã theo vợ con qua Úc lâu rồi kìa, chứ đâu ở lại đây một thân một mình hơn 7 năm nay” – anh Trị trầm ngâm.

 

Anh cho biết các loại máy này giá rất rẻ, máy gieo hạt ngô bầu chỉ 45 triệu đồng/cái, rẻ hơn máy nhập cùng loại gấp 2-3 lần. Máy trồng ngô bầu và máy thu hoạch có đắt hơn, 240 và 200 triệu đồng/máy. “Hai loại máy này bà con có thể mua về, hoặc 1 HTX mua 1 máy mỗi loại và làm dịch vụ cho các bà con hay xã viên khác, bảo đảm có lời” – anh Trị hướng dẫn.

Tiến tới sản xuất đại trà

Sinh năm 1957, quê gốc xứ dừa Bến Tre, năm 2008 anh Trị lên Lâm Đồng lập nghiệp, làm quản lý trong một công ty chế biến rau quả. Thấy bà con nông dân lao động cực quá, giữa trời giá rét vẫn phải cặm cụi ngoài đồng gieo hạt, hái từng cọng rau bằng tay, sẵn có nghề cơ khí nên cuối năm 2009 anh quyết định nghỉ việc, ở nhà giam mình cặm cụi nghiên cứu chế tạo nông cụ, máy móc, âm thầm thực hiện ý tưởng giúp nông dân tự động hóa vườn ươm. Năm đó, gia đình anh được xuất cảnh qua Úc, vợ con đi hết nhưng anh vẫn quyết chí bám trụ lại để theo đuổi ước mơ “làm được một điều gì đó cho bà con nông dân quê mình bớt khổ”.

Quan điểm
Anh Lê Thanh Trị
 Bà con nào gặp khó khăn trong sản xuất, tôi cũng có thể tặng một số máy mà mình sáng chế ra. Có thể là cho một nhóm nông dân, hoặc một tổ hợp tác, HTX các máy gieo hạt, thu hoạch sản phẩm để bà con làm dịch vụ, phục vụ tốt hơn cho sản xuất”. 
Vạn sự khởi đầu nan, trầy trật mãi đến năm 2011, anh mới cho “ra lò” sản phẩm đầu tiên là máy gieo hạt trên khay. Anh bán với giá vốn 40 triệu đồng/máy, rẻ hơn 3 lần so với máy nhập cùng loại. Bà con ủng hộ quá trời, trong vài ngày mà đơn đặt hàng gửi về đặt mấy chục máy. Tiếng lành còn đồn xa sang tận Malaysia, Singapore, Thái Lan…, các đối tác tìm đến đặt hàng anh ngày càng nhiều. Thế là từ đó, được đà tấn tới, anh lần lượt cho ra đời các sản phẩm máy ép giá thể vào vỉ nhựa, máy se viên hạt giống, máy rửa khay xốp tự động, máy rửa cà rốt, máy đục lỗ trên màng phủ trồng rau…

Cứ thế, trong vòng chưa tới 3 năm, anh Trị đã sáng chế ra hơn 20 dòng sản phẩm nông nghiệp các loại với hơn 140 máy. Từ phục vụ sản xuất rau quả, anh lấn sân sang sang các lĩnh vực khác như lúa gạo, khoai, mì với chiếc máy gieo sạ đầu tiên ở Việt Nam phục vụ cho các tỉnh phía Bắc, máy trồng - thu hoạch khoai, mì, hay hệ thống máy trồng ngô mà anh vừa “trình làng” cho bà con nông dân ngoại thành Hà Nội.

“Hệ thống máy phục vụ cho ngành sản xuất ngô để có thể sản xuất đại trà phổ biến rộng rãi cho bà con, tôi phải liên kết và hợp tác với Trung tâm Ứng dụng chuyển giao công nghệ thuộc Viện Nghiên cứu khoa học nông nghiệp Việt Nam. Sau đó lập thành dự án xin tài trợ của World Bank để chuyển giao công nghệ và thương mại hóa phương pháp canh tác ngô mới này. Trung tâm sẽ lo khâu chuyển giao công nghệ và kỹ thuật, tôi lo khâu máy móc. Trước tiên sẽ làm thí điểm ở Thanh Trì, Hà Nội, sau mở rộng ra toàn miền Bắc. Dự án dự kiến chi phí là 10 tỷ đồng, tôi đang xin World Bank tài trợ 70%” – anh Trị chia sẻ.

Mà không chỉ dự án này, anh Trị còn đang xin World Bank tài trợ một dự án khác nữa là máy ép nước cốt chanh có hạt. Máy ra đời cũng từ một sự trăn trở khác của anh trước việc bà con ở Lâm Đồng rồi ĐBSCL tới mùa chanh cứ trúng mùa là rớt giá, chanh đầy đồng không ai mua. Trong khi chanh không hạt bán tới 10.000 đồng/kg thì chanh có hạt giá chỉ bằng 1/5. Nguyên nhân do chanh có hạt, người ta không vắt ra nước cốt chanh xuất khẩu được do hột chanh lẫn vào, ép ra nước rất đắng. Anh Trị đã nghiên cứu chế được cái máy vắt nước cốt chanh có những cái lỗ nhỏ mà khi vắt, các hạt chanh sẽ theo các lỗ đó chạy ra ngoài, tách riêng với nước. Dự án này cũng đang được World Bank quan tâm vì nó có tính thương mại hóa cao.

Anh Trị khoe rằng anh còn nhiều sáng chế đang “thai nghén” lắm, ít nhất là 15 sản phẩm nữa mà năm 2015 anh dự định sẽ cho “ra lò” 7-8 sản phẩm mới, như máy ép cám tự trộn thành viên, máy băm cỏ phục vụ trong chăn nuôi...

Sức sáng tạo của anh Lê Thanh Trị rất cao, trong vòng 3 năm, anh đã cho ra đời hơn 20 dòng sản phẩm khác nhau, trong đó nhiều sản phẩm nổi tiếng cả ở nước ngoài như máy ép giá thể vào khay xốp, máy gieo hạt, máy sạ lúa, máy rửa cà rốt; máy trồng – thu hoạch khoai mì; máy trồng - thu hoạch ngô… Anh đã đoạt nhiều giải thưởng, bằng sáng chế, bằng khen của địa phương và Trung ương như Gương mặt công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhiều năm liền của Cục Công nghiệp địa phương và Bộ Công Thương trao tặng, danh hiệu Sản phẩm nổi tiếng ASEAN, giải thưởng của UNESCO…