“Quy mô của Quỹ Hỗ trợ nông dân (ND) các cấp hiện nay đã đạt hơn 1.600 tỷ đồng, tức tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng kể từ khi có Quyết định 673”. Đó là thông tin từ ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ ND (Trung ương Hội ND Việt Nam).
Ông Thắng cho biết: Nguồn Quỹ Hỗ trợ ND đã giúp cho hơn 100.000 hội viên, ND vay phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Với sự tác động của nguồn vốn này, các mô hình kinh tế tập thể do hội viên, ND tự nguyện thành lập đã từng bước hình thành tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hà Tĩnh, Hải Dương…
Nhanh chóng đi vào đời sống
Xây dựng Quỹ Hỗ trợ ND là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của các cấp Hội ND cả nước trong những năm qua. Cùng với các hoạt động, lĩnh vực công tác khác, việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ ND chính là góp phần tăng cường thế và lực của Hội ND Việt Nam. Nguồn lực tạo ra từ Quỹ Hỗ trợ ND hướng đến mục đích cuối cùng là để hỗ trợ tốt hơn cho hội viên, ND trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập…
“Chỉ 2 tháng sau khi Quyết định 673 được ban hành, Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh Tiền Giang đã được ngân sách tỉnh cấp bổ sung 10 tỷ đồng” - ông Trần Văn Quang - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tiền Giang cho biết. Theo ông Quang, việc thực hiện Quyết định 673 nói chung, xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ ND nói riêng đã tạo không khí phấn khởi, tiếp thêm động lực lao động trong cán bộ, hội viên, ND….
Đối với các tỉnh miền núi khó khăn như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, nguồn cấp bổ sung Quỹ Hỗ trợ ND từ ngân sách chưa nhiều, nhưng tại những tỉnh này, Hội ND các cấp đã nỗ lực tăng trưởng quỹ từ nguồn vận động và huy động vốn từ các nguồn hợp pháp theo quy định của pháp luật. Một “điển hình vượt khó” là tỉnh Hà Giang. Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh này đã tăng trưởng thêm hơn 13 tỷ đồng trong năm 2014, trong đó đáng kể nhất nguồn ngân sách tỉnh cấp bổ sung và tự huy động các nguồn hợp pháp khác.
Cần chuyển mạnh xuống cấp huyện, cấp xã
Đánh giá sơ bộ trên cơ sở thực tiễn cũng như báo cáo của các địa phương cho thấy, Kết luận 61 của Ban Bí thư, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ ND” mới thực hiện mạnh ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Còn tại cấp huyện, cấp xã, kết quả nhìn chung trên cả nước còn thấp. Ngay tại cấp tỉnh, đến nay vẫn còn Kon Tum và Điện Biên có tổng nguồn vốn dưới 100 triệu đồng, mức rất thấp.
Nguyên nhân chính của việc chậm chuyển biến và kết quả thấp ở cấp huyện và cấp xã đã được Trung ương Hội ND Việt Nam nhiều lần chỉ ra là do Hội ND các cấp chưa tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống Hội cũng như tới cấp ủy, chính quyền. Tại không ít địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện còn chưa biết đến văn bản Kết luận 61, Quyết định 673, thì chưa thể nói đến việc phối hợp hiệu quả.
Tuy nhiên, không phải tất cả cấp huyện, cấp xã trong cả nước đều chậm chuyển biến. Một số địa phương cấp huyện ở Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ..., nhờ chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục, nên việc thực hiện Kết luận 61, Quyết định 673 đã có kết quả, cụ thể nhất là Quỹ Hỗ trợ ND cấp huyện bước đầu đã có nguồn bổ sung từ ngân sách. Chẳng hạn, Quỹ Hỗ trợ ND cấp huyện ở TP.Cần Thơ đã được xây dựng, với nguồn vốn ít nhất 500 triệu đồng/quận, huyện.
Về việc xây dựng Quỹ Hỗ trợ ND, trong hơn 3 năm thực hiện Quyết định 673 đã bộc lộ một số điểm chưa hợp lý. “Vốn quỹ được tạo từ nhiều nguồn. Sau khi có Quyết định 673, Hội ND nhiều tỉnh, thành phố chỉ chú trọng vào việc tăng trưởng quỹ từ nguồn ngân sách cấp, có phần “lơ là” công tác vận động, ủng hộ từ cán bộ, hội viên, các cá nhân, tổ chức, đơn vị, lực lượng trên địa bàn. Tăng trưởng từ nguồn vận động mới là vững bền, bởi việc thực hiện Quyết định 673 có giai đoạn từ 2011-2020” - ông Nguyễn Xuân Thắng nhìn nhận.