Dơi, bóng đá, giao thông...
Làm việc trong một công ty dầu khí đa quốc gia, nên việc phải di chuyển công việc đến nhiều nước là chuyện rất bình thường. Nhưng 60 ngày trải nghiệm ở châu Phi là những kỷ niệm thú vị nhất tôi từng có.
Chịu sự ảnh hưởng của Pháp nên tiếng Pháp là thứ ngôn ngữ thông dụng nhất ở thành phố Abidjan- trung tâm kinh tế lớn nhất của Bờ Biển Ngà. Với những người giỏi tiếng Pháp, Bờ Biển Ngà sẽ dễ dàng trở nên thân quen. Còn với những người chỉ sử dụng tiếng Anh như tôi, Bờ Biển Ngà giống như một cô gái có đôi mắt đen huyền đầy quyến rũ, cứ thôi thúc tôi khám phá và chạm vào cơ thể cô ấy bằng chính tâm hồn mình.
Những ngày đầu tiên ở Bờ Biển Nga, điều đặc trưng nhất mà tôi thấy ở đây là... dơi. Dường như buổi tối đến sớm hơn với người dân Bờ Biển Ngà vì dơi, cả triệu con dơi phủ kín bầu trời vào buổi chiều tà tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục.
Trong không gian đầy nghệ thuật đó, sự điểm tô của những vật dụng truyền thống được bày bán hai bên đường đi, càng khiến cho thành phố Abidjan trở nên huyền bí hơn bao giờ hết.
Nét đặc trưng của nghệ thuật Bờ Biển Ngà xuất hiện trong nhiều vật dụng hàng ngày bằng các chất liệu đa dạng. Nghệ thuật này có mặt trên khắp đất nước, là minh chứng cho phong cách sống ở quốc gia này. Cũng như người dân các nước Tây Phi khác, người Bờ Biển Ngà thân thiện, đặc biệt là hâm mộ bóng đá. Sân bóng đá có mặt ở khắp nơi, chân dung các cầu thủ nổi tiếng như Yaya Toure, Drogba, Gervinho được treo ở khắp chốn. Trẻ con khi được hỏi đều muốn trở thành cầu thủ bóng đá.
Và hiển nhiên âm nhạc, lễ hội là thứ không thể thiếu đối với người Bờ Biển Ngà. Nhảy múa dường như ăn sâu vào trong huyết quản của mỗi người. Các điệu nhảy rực lửa, huyền bí được người dân thể hiện ở các lễ hội, lễ cưới. Tôi may mắn được tham dự một lễ cưới tại khách sạn, những món ăn truyền thống chủ yếu là hải sản, thực phẩm từ cọ lên men và các loại bánh có vị chua, sữa dê. Tất cả khách tham gia đám cưới đều nhảy múa đến đêm khuya...
Tuy vậy, hệ thống giao thông khá lạc hậu, chủ yếu do người Pháp xây dựng. Tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm nhưng ý thức giao thông của người dân ở đây rất tốt. Họ tự giải quyết các vấn đề giao thông, không cần đến sự điều khiển của cảnh sát giao thông. Tuy thu nhập bình quân không cao (khoảng 80-100USD/tháng) nhưng hầu như các gia đình ở Abidjan chỉ mua ô tô, cực kỳ hiếm thấy xe máy trên đường phố .
Rưng rưng Tết Việt giữa Abidjan
Với những điều lạ lẫm ở một đất nước Tây Phi xa xôi, càng khiến tôi nghĩ về quê nhà Việt Nam nhiều hơn trong những ngày công tác. Và, thật bất ngờ, trong tuần đầu đến Abidjan, anh bạn người Mỹ lại giới thiệu rất tường tận về một nhà hàng của người Việt mà anh đã ăn rất nhiều lần. Anh bạn bảo, ở đó có món “Vietnamese Soup” rất ngon, tôi đoán chắc là “phở”.
Người Việt ở Abidjan chủ yếu kinh doanh nhà hàng, hầu hết đều tọa lạc dọc theo con đường Rue des Jardins sầm uất nhất thủ phủ Abidjan, với thực khách chủ yếu là tầng lớp trung lưu và người nước ngoài (vì giá cả khá đắt so với thu nhập của người dân địa phương). Cứ mỗi dịp cuối tuần thì các nhà hàng Việt thường kín khách vì dân bản địa rất thích hương vị của các món ăn Việt. Theo quan sát thì hầu như không có bóng dáng của nhà hàng nào của người Trung Quốc tại khu vực Abidjan.
Buổi tối hôm đó, cùng mấy người bạn trong công ty, chúng tôi đến nhà hàng tên là Nuit de Saigon, anh Hùng- chủ nhà hàng giới thiệu món ăn bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Khi tôi hỏi lại bằng tiếng Việt, anh vui lắm. Món phở được dọn ra với rất nhiều giá, một số loại rau tương tự như rau húng bên mình nhưng không thơm, ngoài ra còn có một ít rau xà lách nhưng lá to hơn nhiều.
Bát phở có giá khoảng 7.000 XAF- tương đương 270.000 đồng. Tôi thắc mắc vị của bát phở có phần giống như hủ tiếu, anh Hùng cười bảo: “Mình quê gốc Nam Định, gia đình vào Sài Gòn năm 54 và đi Pháp năm 1978, sống ở Pháp 15 năm sau đó sang đây lập nghiệp vì ở đây cũng dễ sống. Vì cái gốc gác như thế nên vị phở mới giống… hủ tiếu”.
Xong bữa, anh Hùng mời tôi vào trong nhà. Bên ấm trà Thái Nguyên, anh kể: Có khoảng 250 người Việt ở Bờ Biển Ngà, chủ yếu sống tại Abidjan, đa số là từ Pháp sang. Người Việt chủ yếu kinh doanh nhà hàng, ngoài ra có một ít buôn bán ca cao. Nhìn chung ở đây họ có thu nhập khá, đời sống ổn định hơn các nước Tây Phi khác. Đặc biệt là bà con rất đoàn kết, không có bất kỳ sự cạnh tranh nào trong làm ăn.
Tôi có hỏi về ảnh hưởng của cuộc đảo chính năm 2011 tới người Việt, anh Hùng bảo, người Việt mình chỉ làm ăn nên thời gian đó đóng cửa ở trong nhà để tránh đạn thôi. Chỉ có nhà hàng Tour De Jade Restaurant của anh Minh bị đốt, bà con người Việt cũng đã giúp đỡ xây dựng lại và mở cửa trở lại. Không người Việt nào bị bắt hay anh hưởng gì trong thời gian nội chiến.
Anh Hùng kể: Cứ mỗi dịp tết, bà con ở đây tập trung ở nhà hàng của anh vào sáng ngày mùng 1 (lệch múi giờ +7). Có bánh chưng, hoa đào, hoa mai giả, nhưng cũng không được đốt pháo vì ở đây có lệnh cấm. Nhớ về Tết Việt, anh Hùng rưng rưng nói, năm nào anh cũng dựng cây nêu trước cửa nhà hàng, bà con người Việt thỏa sức nói tiếng Việt, ăn món Việt để bớt nhớ nhà.