“Hội nghị” bàn tết
Chiến (quê ở Bắc Giang) quen Nguyệt từ ngày cùng nhau sang học nghề tại Tiệp Khắc (cũ). Khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Âu, họ phiêu bạt sang Áo, trở thành vợ chồng và định cư tại Rohr Bei Hartberg. Xa quê đã gần 30 năm, cả hai giỏi nấu nướng, tính tình cởi mở, lại sở hữu một căn biệt thự rộng rãi nên đã nhiều năm nay, gia đình Chiến là một trong những địa chỉ quen thuộc của người Việt tại Áo và một số nước xung quanh tìm đến trong những dịp nghỉ lễ, tết. Nhưng cuộc hội ngộ của họ hôm nay không chỉ để gặp gỡ, hoan hỉ và còn mang ý nghĩa lớn hơn, như lời Nguyệt nói - “bàn tết”.
Đã nhiều năm ăn tết xa quê, nên tôi hiểu nỗi lòng của bà con Việt kiều những ngày cuối năm này. Dẫu mâm cao cỗ đầy và dẫu vui bao nhiêu chăng nữa thì những ngày cuối năm vẫn không khỏi chạnh lòng, càng gần tết lòng dạ càng bâng khuâng nhớ nhà, nhớ quê... Và câu chuyện “bàn tết” tại nhà Chiến hôm nay cũng là để khỏa lấp đi một phần nỗi bâng khuâng đó.
Những buổi gặp gỡ của người Việt ở nhà Chiến lần nào cũng như có hội. Và hôm nay cũng thế. Nguyệt hào hứng kể, mọi năm cứ phải lên Vienna mua lá chuối, nhưng bánh chưng gói bằng lá chuối mất đi mùi vị đặc trưng. Bởi vậy, tết năm ngoái Nguyệt đã nhờ mấy người bạn ở Hung mua giúp lá dong để gói bánh, lá chuối để bó giò lụa, giò xào. Và “quan trọng nhất là mấy con gà trống còn sống để chiều 30 mổ, làm mâm cơm cúng giao thừa” – Nguyệt kể.
Rồi Nguyệt giải thích bọn em ở đây đất đai rộng, nhưng không được chăn nuôi ở nhà, còn siêu thị toàn bán gà công nghiệp đã chặt hết đầu, chân, vì vậy đầu năm đã phải nhờ bạn bên Hung nuôi cho mấy con gà ta. “Mới lại ngày tết có tiếng gà kêu oang oác mới khí thế. Cuối năm đánh một chuyến xe sang Hung chở về là đủ cả. Buổi gặp gỡ với mấy người bạn Việt ở Hung hôm nay là “để kiểm tra” việc chuẩn bị tết” – Nguyệt lại cười giòn giã.
Sẵn có phần mềm Viber gọi điện qua Internet nên Nguyệt nói với tôi đủ thứ chuyện trên trời, dưới bể… Câu chuyện đang hứng khởi, bỗng nghe giọng Nguyệt có vẻ bùi ngùi: “Vui mấy cũng không bằng ở quê anh nhỉ”. Rồi Nguyệt kể cho tôi chuyện tết quê hơn 20 năm trước.
Quê Nguyệt ở phường Cam Giá (TP.Thái Nguyên). Những năm 80 thế kỷ trước, vùng đất này còn rất khó khăn, ở cái tuổi thanh niên của Nguyệt, cơm cũng chưa đủ no chứ nói gì đến thịt cá. Vậy nên lúc nào cũng mong tết để được miếng bánh chưng… Mấy bác hàng xóm bàn nhau nuôi con lợn để tết đánh đụng. Mẹ chăm chút nuôi mấy con gà, thỉnh thoảng lại bảo để dành đến tết… Chỉ nghe vậy mà đã thấy sướng. Rồi 29 Tết, tiếng lợn kêu eng éc cả xóm, lợn mổ xong, bỏ ra cái nia, chia mỗi nhà một phần, xương, thịt, lòng có hết. Sau bữa tiết canh, lòng sốt, mọi người hoan hỷ, ai về nhà nấy bắt tay vào gói bánh chưng, làm cỗ. Vui thật!..
Đến đây, giọng Nguyệt như nghẹn lại: “Tháng 5 vừa rồi em về quê, thấy nhà mình đổi mới đến ngỡ ngàng. Em hỏi mẹ, hồi này có nuôi lợn để đánh đụng ăn tết không? Mẹ cười bảo, mày đi lâu ngày nên không biết, bây giờ 30 Tết ra chợ một loáng là có hết, không phải chuẩn bị gì cả. Nghe vậy em vừa vui, vừa buồn. Vui vì mẹ và anh em không còn khổ như trước nữa, nhưng buồn vì có cảm giác như bị mất gì đó rất gần gũi, mộc mạc thiêng liêng. Tết vui chính là ở cái không khí nhộn nhịp, háo hức đón chờ, nhưng dường như bây giờ mất dần đi điều đó”.
Nỗi nhớ quê của cô gái trẻ
Thảo quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, kết hôn với Hùng -Việt kiều Áo, quê ở Việt Trì, Phú Thọ, hồi cuối năm ngoái. Tại Áo, không ít người đánh tiếng mai mối nhưng Hùng một mực về Việt Nam lấy vợ. Hùng bảo: “Cháu muốn vợ mình là gái Việt “xịn”, con gái ở đây pha tí “Tây”, lấy vào “mệt” lắm”. Cưới xong, Hùng đưa Thảo sang Áo hồi tháng 7.2014. Ngày mới sang Áo, Thảo kể, lúc xuống sân bay Vienna, nhìn những ngôi nhà vắt vẻo trên đồi, cánh đồng cải bát ngát vàng rực trong nắng, không gian yên ả ngỡ trong mơ, thấy sung sướng lắm. Nhưng chỉ “choáng” trong thời gian đầu, mỗi ngày qua đi nỗi nhớ quê hương cứ lớn dần lên…
Những ngày cuối năm, lần nào vào mạng tôi cũng thấy facebook của Thảo đang đăng nhập. Tôi hỏi “sao hồi này em rỗi rãi thế?”. Thảo nói: “Từ ngày sang Áo, đến nay đã gần 5 tháng, lúc nào cháu cũng nhớ nhà, nhớ mọi người trong gia đình, thèm được nghe cả tiếng rầy la của mẹ, tiếng quát của bố… Bây giờ cuối năm lại nhớ đến không khí tết nên hay vào mạng để mong gặp mọi người nói chuyện hỏi han tết nhất ra sao”.
“Không khí tết là thế nào?” - tôi hỏi. Cười rất hồn nhiên, Thảo nói, khó diễn tả lắm chú ạ, cứ thấy cái gì đó lâng lâng, chờ đợi… bây giờ quanh mình toàn là Tây, bất đồng ngôn ngữ, sinh hoạt văn hóa cũng khác, thỉnh thoảng ngày nghỉ người Việt mới được gặp nhau nên càng thấy quạnh quẽ, nhớ nhà… không biết giờ này ở quê mọi người đã chuẩn bị tết đến đâu? Ở đây, sắp Noel rồi, đèn hoa rực rỡ nhưng cũng không lấp đầy nỗi nhớ quê, nhất là vào dịp tết. Thời gian này mấy năm trước đã đi chợ ngó nghiêng chọn bộ cánh đẹp nhất để sắm tết. Mồng Một, đi chúc tết họ hàng, được nhận tiền mừng tuổi… Mồng Hai tung tẩy với bạn bè… Chao ơi, thèm chỉ muốn khóc thôi chú ạ…