Thay đổi cách tiếp cận hoạt động khuyến nông
Về mặt mục tiêu, chương trình đổi mới khuyến nông lấy mục tiêu là phải đổi mới toàn diện cả nội dung, phương pháp, cách tiếp cận và hình thức hoạt động khuyến nông. Cụ thể, về nội dung, khuyến nông có 4 “trụ cột”: Thông tin tuyên truyền; hoạt động đào tạo, tập huấn; hoạt động xây dựng và nhân rộng các mô hình khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến; hoạt động về tư vấn và các dịch vụ khác để giúp cho hoạt động sản xuất của nông dân (ND). Bao hàm chung cả 4 hoạt động này, trước đây hoạt động theo kế hoạch ngắn hạn hàng năm, nay phải đổi sang phương pháp hoạt động theo các chương trình, dự án trung và dài hạn.
Cách tiếp cận thứ ba là chuyển từ cách tiếp cận từng hộ đơn lẻ sang cách tiếp cận nhóm và cộng đồng của nông thôn theo cách thức liên kết sản xuất. Trước đây, chúng ta đưa tiến bộ kỹ thuật thì chỉ có ND này biết, nhưng ND bên cạnh không biết, bây giờ để cho một ND biết tiến bộ kỹ thuật này thì mời cả nhóm ND có sở thích đến cùng nghe, cùng làm thì mới tạo ra một sự liên kết giữa ND với nhau. Khuyến nông phải làm cầu nối giữa ND với doanh nghiệp, các đối tác khác trong chuỗi đó…
Điều chỉnh chính sách cho người hưởng lợi
Trong lần thực hiện đổi mới này, chúng tôi đề nghị trong những năm tới, Nhà nước sẽ điều chỉnh lại chính sách trong Nghị định 02/2010 về khuyến nông. Cụ thể, đối với những người được hưởng lợi khuyến nông, nhóm hưởng lợi nên phân định rạch ròi giữa các nhóm ND nghèo, cận nghèo, nông dân vùng dân tộc thiểu số, ở những nơi khó khăn, dễ bị tổn thương do thiên tai, tiếp tục áp dụng chính sách khuyến nông có hỗ trợ như hiện nay, được tập huấn không mất tiền, cấp tài liệu không mất tiền, được làm mô hình trình diễn để hỗ trợ một phần giống, vật tư như hiện nay và không thu hồi để giúp cho họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, coi như một hình thức hỗ trợ.
Tuy nhiên, đối với nhóm ND khá giả, ND sản xuất hàng hóa, thực ra hỗ trợ đối với họ cũng là quý, nhưng chưa đủ. Chẳng hạn, một hộ ND làm trang trại 1.000 con lợn, khuyến nông hỗ trợ họ 10 con lợn giống thực ra cũng quý, nhưng đối với cả một trang trại nuôi 100 con bò sữa, bây giờ khuyến nông hỗ trợ 1 con bò, 99 con kia người ta vẫn đầu tư, như vậy chưa thể hiện quy mô sản xuất hàng hóa người ta cần cái gì... Đối với nhóm ND này, phần tuyên truyền, tư vấn, đào tạo thì có thể vẫn hỗ trợ như hiện nay, nhưng với phần mô hình thì cho họ vay một khoản vốn không có lãi, như một quỹ khuyến nông của Hà Nội đã hoạt động hơn 10 năm nay rồi. Cho vay một khoản mà ND có thể đầu tư 70-80%, còn 20-30% người ta bỏ ra, cho vay không có lãi thì chỉ có một phí nào đó, sau đó thu hồi lại, luân phiên cho các hộ khác vay. Đây không phải lý thuyết mà thực tế Hà Nội đã làm 12 năm nay rồi. Quỹ có 100 tỷ đồng khuyến nông của Nhà nước, ngân sách chi lần đầu 10 tỷ cho quỹ này, năm sau tiếp tục 10 tỷ nữa, 10 năm có 100 tỷ. Số vốn quỹ này sẽ được bảo toàn, người ta vay hết chu kỳ thì trả lại và quỹ cho người khác vay. Như vậy, hoạt động quỹ rất bình đẳng, mô hình nào có hiệu quả, người ta cảm thấy chắc chắn thì người ta mới đầu tư.
Còn chính sách với người làm khuyến nông, nhất là khuyến nông cấp xã, đây là đội ngũ rất quan trọng. Họ là những người hàng ngày, hàng giờ trực tiếp làm việc với người dân và họ cũng chính là những người tham gia sản xuất. Vừa giúp ND sản xuất, vừa sản xuất nên họ rất gần dân, có tiếng nói, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như điều kiện thực tế ở địa phương rất sâu. Song hiện đang tồn tại bất cập là chưa có chính sách cụ thể nào hỗ trợ cho họ. Nghị định 02 giao quyền cho chủ tịch UBND tỉnh quyết định, từ đó mỗi tỉnh làm một cách. Tỉnh thì coi như viên chức cấp cơ sở, ví dụ như Hà Giang, Lào Cai, Cà Mau… Nhưng một số tỉnh, phần lớn vẫn coi người làm khuyến nông như lực lượng sử dụng, trả phụ cấp hợp đồng, phụ cấp rất khác nhau.
Cần đầu tư 1.200-1.500 tỷ đồng/năm
Trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, chúng tôi cũng cho rằng, đối với đầu tư cho hoạt động khuyến nông, hiện nay nguồn lực đầu tư vẫn được coi trọng nhưng không có một quy định thống nhất. Ở T.Ư, có một cam kết của Chính phủ là từ năm 2005 tới năm 2020, mỗi năm ngân sách khuyến nông T.Ư tăng 10-12%, nhưng từ 2013 đến nay trở lại đây thì lại giảm. Đối với địa phương thì chẳng có quy định nào, có những địa phương kinh tế phát triển như Hà Nội, TP.HCM bố trí cả trăm tỷ đồng, nhưng cũng có những địa phương nghèo chỉ bố trí được 200-500 triệu đồng/năm cho hoạt động khuyến nông.
Tôi cho rằng, đây là chính sách khuyến nông, đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, chứ không phải đầu tư có tính chất bao cấp. Trong khi nước ta có gần 50% lao động làm việc trong nông nghiệp với 11 triệu hộ ND, hàng năm xuất khẩu nông sản 30 tỷ USD, nhưng đầu tư cho khuyến nông chỉ được có 600 tỷ đồng/năm, tức nếu chia ra mỗi hộ ND chỉ được hơn 50.000 đồng. Do đó, chúng tôi đề nghị Nhà nước cần bố trí ít nhất 0,5% tổng chi ngân sách cho khuyến nông, tức ở mức từ 1.200-1.500 tỷ đồng/năm.