Quy hoạch ồ ạt…
Xã Thái Phương có 3.000 hộ với gần 10.000 khẩu. Riêng thôn Phương La có 3.500 khẩu, chiếm hơn 30% dân số, sống chủ yếu bằng nghề dệt. Mỗi năm thôn sản xuất 150 triệu khăn các loại, đạt giá trị trên 130 tỷ đồng. Cái được thì rất nhiều, nhưng thực trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương đang là vấn đề nan giải. Đến đầu thôn đã ngửi thấy mùi hoá chất nồng nặc xông lên từ các cống rãnh ngang dọc trong thôn.
Hệ thống cống rãnh luôn bốc mùi. |
Anh Bùi Thanh Hải (một người trong thôn) cho biết: “Vào những ngày nắng ráo, cái mùi này khó chịu lắm. Nhất là khi các xưởng tẩy nhuộm cùng làm việc, bụi bông vải theo gió bay khắp nơi”.
Trước năm 2007, UBND tỉnh Thái Bình cấp giấy phép hoạt động cho 8 công ty dệt. Phần lớn các công ty này nằm trong Cụm công nghiệp Phương La. Do địa phương không đủ khả năng xây dựng hệ thống xử lý nên nước thải được xả trực tiếp ra khu dân cư và hệ thống sông ngòi.
Ông Nguyễn Văn Chưng - Chủ tịch xã Thái Phương cho biết: “Do chưa có hệ thống xử lý triệt để nên ô nhiễm liên tục xảy ra. Mặt khác, các doanh nghiệp và hộ gia đình nếu làm theo đúng quy trình xử lý nước thải thì phải bù lỗ; để cắt giảm chi phí, họ đã bỏ qua khâu quan trọng này”.
Được biết năm 2007, UBND tỉnh Thái Bình quyết định đình chỉ tạm thời hoạt động của 9 công ty, xí nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn… Nhưng được một thời gian, các cơ sở này lại tiếp tục sản xuất, bất chấp sự can thiệp của chính quyền địa phương và bức xúc của người dân.
Ông Trần Hữu Mịch - Trưởng thôn Trác Dương cho biết: “Chúng tôi đã có ý kiến từ nhiều năm nay; bây giờ nước ô nhiễm thế này không ai dám tháo vào ruộng để cấy. Cua, cá còn chết huống gì cây lúa, cây rau”.
Dân bức xúc, xã bất lực, tỉnh chần chừ…
Ngoài những cơ sở kinh doanh có giấy phép, nhiều cơ sở ở thôn Phương La vẫn hoạt động chui, rất khó kiểm soát. Ông Nguyễn Văn Chưng cho biết thêm:
“Hiện nay cụm công nghiệp còn lại 3 công ty và 1 tổ hợp vẫn tiếp tục hoạt động nấu, giặt tẩy, nhuộm. Trong đó, Công ty CBA và Công ty Nam Thành có giấy phép hoạt động trở lại nhưng chưa có cửa xả thải riêng. Còn tổ hợp sản xuất của gia đình ông Trần Văn Tuấn sau một thời gian chuyển máy móc đi nơi khác, nay lại ngang nhiên hoạt động trở lại. Riêng Công ty Minh Tân chưa có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động nấu, tẩy… công khai”.
Ngày 24.10.2011, UBND xã có Công văn số 06/UBND-MT đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc 3 cơ sở trên ngừng hoạt động xả thải nhưng các doanh nghiệp vẫn làm ngơ.
Ngày 29.11.2011, xã tiếp tục có đề xuất giải pháp xử lý lên UBND tỉnh nhưng tới nay vẫn chưa có văn bản chỉ đạo nào cụ thể. Nhiều thôn vẫn đắp đập ngăn sông để ngăn nguồn nước ô nhiễm nhập vào nội đồng.
Được biết, ngày 9.1.2012, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Hà xuống địa phương khảo sát tình hình, thống nhất đưa ra phương án xử lý “mạnh tay” là ngừng cấp điện cho các cơ sở gây ô nhiễm, nhưng đến nay mọi việc vẫn… nằm trên giấy.
Tất Đạt