Ông Cao Sĩ Kiêm - Đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: 3 giải pháp căn cơ cho nông nghiệp, nông thôn
Trong thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng có nhấn mạnh việc đổi mới thể chế kinh tế. Theo ông, trong năm 2014 chúng ta đã đạt được những kết quả gì về đổi mới này?
- Đổi mới thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược, gồm có đổi mới về thể chế, đổi mới về chất lượng nguồn lực, đổi mới kết cấu hạ tầng. Trong đó đổi mới về thể chế là khâu quan trọng nhất, trung tâm nhất. Đây là chủ trương rất lớn, rất đúng, nó vừa giải quyết ách tắc cho nền kinh tế đất nước, đồng thời hội nhập dần với kinh tế thế giới. Trong năm 2014, chúng ta đã giải quyết được một số vấn đề lớn. Thứ nhất là giải quyết những ách tắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, biểu hiện cụ thể là siết lại tín dụng để thực chất hơn, hiệu quả hơn. Về thuế, giảm thấp hơn, miễn giảm, hoãn hợp lý nên cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Về thủ tục hành chính đã giải quyết được xong bước một đó là những thủ tục văn bản cần sửa đổi...
Tuy nhiên những thành công kể trên mang tính chất giải quyết tình thế nhiều hơn, còn vấn đề mang tính dài hơi như vấn đề cơ cấu, nợ đọng nguồn lực, kết cấu hạ tầng nhìn chung là chậm so với chủ trương đề ra. Đó là những hạn chế về mục tiêu dài hạn của nền kinh tế. Nói tóm lại cái nền tảng, cái lâu dài, cái vững bền chúng ta chưa giải quyết được.
Năm 2015 chúng ta cần làm gì để những mục tiêu từ việc đổi mới thể chế kinh tế được thực hiện hiệu quả?
- Năm 2015, theo tôi về ngắn hạn nên tập trung vào 2 vấn đề. Thứ nhất tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, những cái họ không làm được như vấn đề đào tạo, thị trường, công nghệ thì nhà nước phải hỗ trợ bằng chính sách, bằng cơ chế. Thứ hai là thủ tục hành chính hiện nay, chúng ta nói nhiều lĩnh vực như thuế, xin phép xây dựng nhà đất, các thủ tục hành chính khác được giảm thủ tục gần một nửa, so sánh gần bằng mức của thế giới, nhưng thấy việc giảm thủ tục này còn hạn chế. Bên cạnh đó tất cả các chính sách, cơ chế đã ban hành thì phải có cụ thể hóa để thực hiện nhanh hơn.
Còn mục tiêu dài hạn thì cần đẩy mạnh cổ phần hóa, sắp xếp lại các DN nhà nước. Đối với tài chính công, chúng ta mới chỉ hô cắt giảm tài chính công về mặt chi tiêu nhưng thực hiện chưa nghiêm, một số nơi vẫn xây trụ sở lớn, vẫn mua sắm xe, chi phí hành chính vẫn tăng thì việc cắt là vô nghĩa.
Vấn đề đổi mới phát triển nông nghiệp cần phải quyết liệt ở những khâu nào mới có thể đem lại hiệu quả?
- Theo tôi có 3 giải pháp căn cơ, thứ nhất là quy hoạch phải rất rõ thì người nông dân mới ổn định, yên tâm đầu tư mua sắm, xây dựng. Việc quy hoạch phải rất chính xác, kịp thời và khoa học. Thứ hai phải có chính sách cho nông dân. Chính sách đó là vấn đề chế biến nông sản và dự trữ sản phẩm. Bởi không có công nghệ thì chất lượng sản phẩm không nâng cao lên được. Thứ ba là phải có quy hoạch vùng thị trường. Khi giải quyết được những vấn đề đó thì chính sách cho nông thôn - nông nghiệp - nông dân sẽ ổn định.
Xin cảm ơn ông.