Điểm vượt trội thứ nhất, quy mô xuất khẩu ước đạt 31 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay.
Điểm vượt trội thứ hai, so với tổng số xuất khẩu nông, lâm- thuỷ sản chiếm tỷ trọng cao hơn tỷ trọng trong tổng GDP của nhóm ngành này (gần 21% so với dưới 20%).
Điểm vượt trội thứ ba, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm- thủy sản năm nay tăng trên 12%. Đó là tốc độ tăng khá cao, không phải năm nào cũng đạt được, cao hơn nhiều so với sản xuất, góp phần đưa tốc độ tăng của nhóm ngành này cao hơn năm trước và góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế thoát đáy (trong năm 2012), vượt dốc đi lên (trong năm 2013, 2014 và kỳ vọng tiến tới phục hồi vào những năm sau).
Điểm vượt trội thứ tư, tăng trưởng đạt được ở các ngành và sản phẩm cụ thể. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản chiếm trên 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm- thuỷ sản, lớn nhất trong các mặt hàng của nhóm ngành này, lớn thứ 5 trong tất cả các mặt hàng và tăng so với tốc độ cao nhất (trên 20%). Kim ngạch xuất khẩu lâm sản chính chiếm trên 1/5, đứng thứ 3 nhóm ngành và lớn thứ 8 trong tất cả các mặt hàng và tăng cao hơn tốc độ tăng chung của nhóm ngành. Kim ngạch xuất khẩu nông sản chính tuy tăng thấp hơn 2 ngành trên, nhưng vẫn đạt 2 chữ số và chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nhóm ngành.
Trong ngành này, cà phê đạt kim ngạch cao nhất, tăng với tốc độ rất cao (trên 34%). Gạo đạt kim ngạch lớn thứ hai và tăng so với tăng trước. Hạt điều đạt kim ngạch lớn thứ ba và tăng khá cao. Rau quả đứng thứ năm và tăng với tốc độ cao gấp ba tốc độ chung. Hạt tiêu đứng thứ sáu và tăng khá cao. Chỉ có kim ngạch xuất khẩu cao su là giảm mạnh, nhưng có kim ngạch lớn thứ tư.
Trong 20 mặt hàng có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, thì nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản đóng góp 9 mặt hàng, chiếm gần một nửa tổng số.
Điểm vượt trội thứ năm, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm- thủy sản đạt được, nhìn chung do cả yếu tố lượng và cả yếu tố giá, trừ một số mặt hàng. Tính chung các mặt hàng trên tăng gần 3.250 triệu USD, do lượng làm tăng thêm 2.800 triệu USD, do giá làm tăng trên 440 triệu USD.
Điểm vượt trội thứ sáu, mặt hàng nông, lâm- thủy sản đã có mặt ở hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất (chiếm trên 1/3).
Điểm vượt trội thứ bảy, đối với hàng công nghiệp Việt Nam còn nhập siêu lớn, nhưng đối với nông, lâm- thuỷ sản thì Việt Nam đã xuất siêu khá, mức xuất siêu về mặt hàng này ước đạt hàng chục tỷ USD. Đây là yếu tố góp phần chuyển vị thế của Việt Nam trong quan hệ với nước ngoài từ nhập siêu lớn sang xuất siêu trong 3 năm nay.