Vào những tháng mùa đông, khi Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ đóng băng, hiện tượng độc đáo gọi là "núi lửa băng" sẽ bắt đầu hình thành dọc theo rìa hồ. Ngũ Đại Hồ là năm hồ lớn nằm trên hay gần biên giới Mỹ - Canada.
Khi băng mùa đông xuất hiện, gió mạnh thổi vào bờ và chuyển động của sóng trên mặt nước sẽ tác động lên các lớp băng. Lúc này, chúng bắt đầu chồng chất lên nhau và tạo thành những khối lớn. Nhiều khối băng trong số này có những vết nứt.
Những con sóng từ vùng nước sâu ập mạnh vào tảng băng. Mực nước nông, sức đập của những cơn sóng càng tăng dần, giống như hiện tượng sóng thần. Khi tìm thấy một vết nứt trên băng, tác động này sẽ khiến nước và băng từ bên dưới phun lên cao. Nếu miệng hố bị tuyết bao phủ, hoạt động "phun trào" tuyết sẽ tương tự như phun dung nham núi lửa.
Hiện tượng này có thể gọi là lỗ phun nước, tuy nhiên nó có những đặc điểm giống với hiện tượng địa chất thông thường. Sau khi phun trào, nước được đẩy ra ngoài sẽ nhanh chóng đóng lại thành băng và dần hình thành cấu trúc hình nón, tương tự như dung nham quanh miệng núi lửa.
Theo các nhà khoa học, không phải mọi tảng băng đều tạo ra núi lửa băng. Các điều kiện cần có bao gồm nhiệt độ bề mặt thấp hơn so với mức đóng băng, sóng ở hồ nước đạt độ cao nhất định.
Đó là lý do vì sao hiện tượng này chỉ được quan sát ở một số ít nơi như hồ Michigan, hồ Erie và hồ Thượng.