Dân Việt

Xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền ở các đô thị

14/05/2011 18:00 GMT+7
Đó là một trong những kiến nghị nổi bật của Bộ Xây dựng trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) và một số giải pháp nhằm quản lý thị trường BĐS hoạt động lành mạnh.

42% nhà biệt thự bị bỏ hoang

Báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ, thị trường BĐS thời gian qua vẫn phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định, nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế. Theo Bộ Xây dựng, giá nhà đất luôn có xu hướng tăng và đứng ở mức cao, vượt quá giá trị thực của BĐS và mặt bằng thu nhập của người dân, lại đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

 img
Tại Hà Nội hiện có nhiều biệt thự bạc tỉ bị bỏ hoang - Ảnh: Quang Duẩn

Hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông” còn diễn ra phổ biến, điển hình là cơn sốt đất ở Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội) diễn ra trong tháng 3 vừa qua do thông tin về một số trường đại học được di chuyển và thi công tuyến đường mới tại đây bị một số người môi giới, đầu cơ đất đai lợi dụng “làm giá” để trục lợi, làm méo mó thị trường.

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung loại nhà giá cao dư thừa, trong khi nguồn cung nhà giá thấp thì quá thiếu. Thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê.

Loại hình nhà ở cho thuê/mượn chỉ chiếm 6,5% tổng số nhà ở trong cả nước. Trong khi nhiều người dân vẫn chưa có chỗ an cư lập nghiệp thì tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, nhiều dự án đã hoàn thành nhưng còn nhiều nhà ở chưa hoàn thiện, chưa đưa vào sử dụng gây lãng phí và làm mất mỹ quan, trật tự đô thị.

Kết quả kiểm tra tình hình sử dụng nhà ở tại 18 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện chỉ có 80% nhà ở liên kế và 58% nhà biệt thự đưa vào sử dụng.

Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở chưa hợp lý, nhiều dự án nhà thấp tầng, biệt thự chiếm tỷ lệ lớn; phần lớn các dự án hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ, thiếu các công trình thiết yếu như trường học, nhà trẻ, chợ... hoặc không được kết nối với hạ tầng chung của đô thị, giao thông đi lại khó khăn; hiện tượng đầu cơ, tích trữ tài sản còn phổ biến; thiếu sự kiểm tra hoặc không kiên quyết trong xử lý của các chủ đầu tư và các cơ quan quản lý các cấp đối với các trường hợp chậm tiến độ; phương thức triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở còn nhiều bất cập, nhất là phương thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô.

Hạn chế cho vay đối với các dự án cao cấp

2.500 dự án đang triển khai

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay trên phạm vi toàn quốc có khoảng 2.500 dự án BĐS đang được triển khai và hàng trăm dự án được khởi công mới, nhiều dự án hoàn thành hạ tầng kỹ thuật hoặc đủ điều kiện để bán đã tăng nguồn cung cho thị trường. Trong đó, tại Hà Nội có khoảng trên 800 dự án (75.189 ha) và trên 50 dự án được triển khai tiếp do trước đó phải tạm dừng chờ quy hoạch chung. TP.HCM có gần 1.400 dự án (4.490 ha) đang triển khai và 76 dự án mới được phê duyệt...

Bộ Xây dựng đã đề xuất một loạt các giải pháp nhằm quản lý và phát triển lành mạnh thị trường BĐS. Theo đó, cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS đối với các tổ chức tín dụng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tuy có phân định được tỷ lệ vay của các loại hình BĐS, nhưng không phân biệt được loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu dễ dẫn đến vốn tập trung nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, khi thị trường bão hòa sẽ dễ đổ vỡ.

Cho vay tín dụng có thế chấp cho cá nhân mà các tổ chức tín dụng đang thực hiện dễ dẫn đến việc chỉ những người có tài sản thế chấp mới được vay và vay nhiều lần với mục đích đầu tư, đầu cơ. Vì vậy, cần phải có tiêu chí cho vay và ưu tiên cho vay các dự án có tính thanh khoản cao, hạn chế cho vay các dự án cao cấp.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị hạn chế, tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch BĐS, nhất là đối với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch thuê nhà ở để giảm áp lực tiền mặt và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia. Mở rộng phương thức Nhà nước tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau đó đấu giá quyền sử dụng đất sạch để đảm bảo công khai minh bạch, loại bỏ hoàn toàn cơ chế “xin - cho” và đảm bảo khoản chênh lệch địa tô thu vào ngân sách.

Theo Bộ Xây dựng, cần có quy định để đa dạng hóa các loại hình nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường (tại Hà Nội, TP.HCM các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80%), phát triển mạnh nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng thời xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng.

Theo Thanh niên