Dân Việt

Hội hòa mình vào đời sống nông dân

Kiều Thiện 06/01/2015 08:00 GMT+7
“Chúng tôi luôn xác định, Hội Nông dân (ND) chỉ hoàn thành được nhiệm vụ khi bám sát đời sống ND. Từ đó, chúng tôi có thông tin, thấy được nhu cầu, bức xúc của ND, thấy được hướng phát triển các phong trào thi đua của Hội…”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Thuận Châu (Sơn La) với phóng viên NTNN.

Tránh “hành chính hóa” công tác hội

Năm 2014 vừa qua, nông nghiệp huyện Thuận Châu có những bước tăng trưởng tốt hơn năm trước: Diện tích cây lúa tăng 24%, sản lượng lúa tăng hơn 20%; diện tích cây sắn tăng 47%, sản lượng đạt hơn 109.000 tấn; khoai sọ tăng 58% diện tích, sản lượng đạt trên 2.600 tấn. Toàn huyện trồng mới 239ha cây cà phê, 154ha chè. Ngành nghề chăn nuôi trên địa bàn cũng có chiều hướng tăng trưởng tốt.

img

ND xã Tông Lạnh có thêm thu nhập từ nghề nuôi trồng thủy sản. 
 

Lý giải về sự phát triển này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Cùng với lực lượng chức năng của huyện, các cấp Hội ND trong huyện đã thay đổi phương pháp lãnh đạo, bám sát đời sống ND hơn để nắm bắt tình hình và hướng dẫn kịp thời. Từ bám sát cuộc sống hội viên ND, Hội có nhiều ý kiến tham mưu với lãnh đạo huyện để có hướng đầu tư, trợ giúp ND hữu hiệu.

 

Xã Tông Lạnh có hơn 2.000 hộ dân, chủ yếu là ND nhưng lại rất thiếu thốn đất sản xuất. Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Bảo- Phó Trưởng bản Co Mường B tâm sự: “Chúng tôi được cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn rất sát. Ngoài việc tổ chức tập huấn cho ND, cán bộ hội còn chỉ ra những lợi thế mà mình chưa khai thác tốt, những tiềm năng có thể phát huy. Vì vậy, chúng tôi đã đào thêm nhiều ao thả cá và trồng thêm rau xanh. Cái ao dù nhỏ cũng giúp chúng tôi chủ động trữ nước tưới và nuôi cá. Còn trồng rau xanh vừa tận dụng đất tốt, vừa sản xuất được quanh năm, mùa nào rau ấy để có nguồn thu thường xuyên, giúp ND theo đuổi những mục tiêu dài hơi như nuôi trâu bò sinh sản, trồng cà phê…”.

Nông dân tin tưởng cán bộ

Quan điểm

Ông Lô Văn Bảo
  Chúng tôi được cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn rất sát. Ngoài việc tổ chức tập huấn cho ND, cán bộ hội còn chỉ ra những lợi thế mà mình chưa khai thác tốt, những tiềm năng có thể phát huy. Vì vậy, chúng tôi đã đào thêm nhiều ao thả cá và trồng thêm rau xanh. 
Sự thay đổi phương pháp trong thực hiện công tác hội đã tác động tích cực đến niềm tin của ND với tổ chức Hội và hưởng ứng mạnh mẽ những phong trào của Hội. Trong năm 2014, hội viên ND đã đóng góp hơn 95.000 ngày công nạo vét 250 công trình thủy lợi (tổng độ dài 203km); khai thác 150m3 đá, sản xuất 50 rọ đá lớn để tu sửa mương phai, đập nước bi hư hỏng do bão lũ; phát dọn hơn 49.000m2 thực bì lấn phủ tuyến giao thông, thủy lợi… “Hơn 110.000 lượt hội viên và rất nhiều ND đã tham gia những buổi tuyên truyền của chúng tôi” – ông Hùng cho biết thêm.

 

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư huyện Thuận Châu đã có 334 bản, tiểu khu và 7.499 hộ đạt tiêu chuẩn văn hóa. Hội viên ND là lực lượng nòng cốt của 410 đội văn nghệ quần chúng, 65 câu lạc bộ văn hóa, thể thao. Trong năm 2014, đã có 80% số gia đình hội viên ND đăng ký thi đua đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, đến cuối năm đã có 4.498 hộ đạt danh hiệu này. Kết quả xếp loại đánh giá năm 2014, toàn huyện Thuận Châu không có chi hội yếu kém và trung bình; hơn 66% số chi hội đạt vững mạnh, gần 34% chi hội khá; ở cấp xã có 21/29 cơ sở hội đạt vững mạnh và 8/29 cơ sở hội đạt loại khá.

Kết quả thi đua luôn là cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng công tác hội, nhưng theo ông Hùng, thước đo quan trọng nhất là chuyển biến từ thực tế sản xuất và đời sống hội viên, từ đó lòng tin của hội viên vào tổ chức hội ngày càng được củng cố.