Dân Việt

Khéo tay lựa nón Tày

16/05/2011 17:06 GMT+7
(Dân Việt) - "Khéo tay lựa được nón Tày/Bền che mưa nắng, bén may tơ hồng/Cùng chàng vượt núi qua sông/Nghiêng nghiêng vành nón mặn nồng ái ân...". Câu ca ấy tự bao giờ đã vận vào cái nết của những thiếu nữ miền sơn khê thảo dã Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Người già trong bản bảo rằng, nếu phụ nữ Mông, Dao coi cái ô là vật bất ly thân thì với người con gái Tày chiếc nón như bạn tâm giao cùng xuống chợ, lên nương, không chỉ che nắng, che mưa, làm dáng, làm duyên mà còn thể hiện cái đức tảo tần, chung thủy.

img
Nghệ nhân dân tộc Tày đan nón.

Cứ đời này nối tiếp đời kia, trẻ nối tiếp già, nghề đan nón được trao truyền, gìn giữ và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Là một nghệ nhân làm nón có tiếng ở bản, bà tôi bảo nghề này không cần nhiều vốn, không dùng những máy móc, thiết bị hiện đại nhưng lại kén người bởi nó đòi hỏi sự công phu, khéo léo, nhanh nhẹn và kiên nhẫn.

Muốn có được chiếc nón như ý, phụ nữ Tày phải cẩn thận từ khâu chọn tre, cây giang, lá cọ đúng tiêu chuẩn. Giang phải có đốt dài, cạo sạch vỏ ngoài, pha thành nan nhỏ, chuốt thật mịn rồi sấy trên gác bếp. Cọ phải chọn lá bánh tẻ để lá không già, không mềm quá, đem về hơ lửa tái, phơi 2 ngày nắng, 3 đêm sương, ngâm 1 ngày nước rồi mới hong khô...

Mở lá cọ phải mở từ đầu đến cuống rồi cắt bỏ phần lá thừa, vuốt nếp cho thẳng để nổi lên những đường gân lá nhỏ. Phần vành nón phải được vót từ thân tre già, người cẩn thận còn đặt lên gác bếp cho đến khi chuyển màu bồ hóng để vành thêm đẹp và bền. Nón Tày nhiều hay ít vành tùy theo độ lớn chiếc nón. Nón Tày kết cấu 2 phần, phần ngoài được xếp khéo léo theo hình chóp từ 2 tàu lá cọ. Phần bên trong được đan cầu kỳ với các mắt hình lục giác đều. Người đan được các mắt hình lục giác càng nhỏ bao nhiêu thì nón càng đẹp và bền bấy nhiêu.

Phụ nữ quê tôi thường dùng thổ cẩm làm quai nón, nó vừa tạo nên sự e ấp, điệu đà, vừa là nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng. Thiếu nữ Tày chưa chồng sẽ lựa cho mình những chiếc nón nhỡ xinh xinh, quai thổ cẩm rực rỡ ôm lấy chiếc cằm thon. Phụ nữ đã có chồng thường đội nón rộng vành, khi đội quai nón sẽ để ở phía sau gáy, dưới búi tóc. Từ xưa chiếc nón đã trở thành nhịp cầu giao duyên để những chàng trai, cô gái Tày gặp gỡ, trò chuyện, ngỏ lời tơ nguyệt...