Cái chết đã báo trước
Parkson Landmark vội vàng đóng cửa, ngưng hoạt động vào đêm 3/1/2015. Lý giải nguyên nhân đóng cửa trung tâm thương mại này, trong thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội do ông Tiang Chee Sung, Tổng Giám đốc ký cho rằng, kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra.
Parkson Landmark đóng cửa trong đêm 3/1. Ảnh:TL
Theo khảo sát của BizLIVE, tại nhiều trung tâm thương mại hạng sang trên địa bàn Hà Nội như Parkson Thái Hà, Tràng Tiền Plaza, Lotte Đào Tấn,… đều đang trong tình trạng vắng khách mặc dù nhiều gian hàng giảm giá thậm chí đến 50% song mức giá sau khi đã giảm vẫn quá cao so với nhu cầu của người dân.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cho biết, sự việc Parkson Landmark không gây bất ngờ cho giới chuyên gia và những người làm việc trong lĩnh vực này, đây là cái chết đã được báo trước và nhiều những trung tâm thương mại hạng sang khác hiện vẫn “sống vật vờ”, nếu không có biện pháp thay đổi khách hàng mục tiêu và sản phẩm hàng hóa, sẽ rơi vào tình cảnh tương tự Parkson Landmark.
“Trong khi sức mua rất yếu nhưng tại các trung tâm thương mại lại bày bán những món đồ cao cấp, chỉ phục vụ 5-10% dân số do đó mặc dù chiếm những vị trí rất đẹp nhưng không hiệu quả do chọn phân khúc khách hàng không đúng”, ông Phú phân tích.
Hiện, giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại cũng ở mức giá cao, nguyên nhân do đầu tư xây dựng, cải tạo những khu trung tâm thương mại rất lớn. Điều này buộc chủ các quầy hàng phải tính giá thuê mặt bằng vào giá bán các sản phẩm, khiến giá bị đẩy lên cao hơn.
Ông Phú dẫn chứng trường hợp của Tràng Tiền Plaza đã được ông Jonathan Hạnh Nguyễn bỏ 400 tỷ đồng để thâu tóm và nhiều tỷ đồng cải tạo do đó giá thuê mặt bằng tại đây lên đến hàng trăm USD.
Ngoài ra, ông Phú đề cập đến một nguyên nhân khác, bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đang rất phức tạp, vẫn tồn tại tình trạng trốn thuế, việc một số doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc càng thua thiệt.
Theo đó, ông Phú cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ muốn đứng vững phải có tài chính mạnh, công nghệ quản lý kinh doanh, am hiểu thị trường, nguồn nhân lực giỏi và chính sách quản lý chặt chẽ.
Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra.
Thay đổi chiến lược kinh doanh
Theo ý kiến của chị Phương Lan (Cầu Giấy, Hà Nội), một tín đồ hàng hiệu cho biết trước kia chị vẫn mua sắm đồ trong một số trung tâm thương mại như Parkson Thái Hà hoặc Tràng Tiền Plaza nhưng chị đã thay đổi thói quen này từ 2 năm trước do việc mua đồ qua mạng đã thuận tiện hơn và tranh thủ những dịp nghỉ lễ dài hoặc đi công tác chị có thể mua sắm đồ ở nước ngoài với mức giá hợp lý và chất lượng, nguồn gốc đảm bảo.
Trong khi đó, chị Thu Hòa (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mức giá bán các sản phẩm như mỹ phẩm, quần áo nữ tại các trung tâm thương mại quá cao so với thu nhập.
Thậm chí, có những sản phẩm quần áo, váy có mẫu thiết kế giống với các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng trên đường Kim Mã song mức giá đắt gấp đôi, gấp ba vì vậy chị lựa chọn mua tại Kim Mã thay vì mua trong trung tâm thương mại.
Chính vì những lý do trên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho biết, các trung tâm thương mại hạng sang cần thay đổi chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm, phục vụ nhiều hơn nhu cầu mua sắm ở mức cao và trung bình.
“Ngoài ra, đặc biệt lưu ý các chương trình giảm giá, kích cầu vào các dịp lễ, tết tránh tình trạng khuyến mại hàng trái mùa, phiếu khuyến mại chỉ áp dụng cho một số mặt hàng giá quá cao và hạn chế hạn sử dụng phiếu khuyến mại theo giờ”, vị chuyên gia này cho biết.