Dân Việt

Chuyện của những con chữ đắt đỏ

MMT 31/12/2014 10:49 GMT+7
Học phí đại học có thể tăng lên 12 triệu đồng/năm; khiến không ít sinh viên tương lai và phụ huynh hoang mang.

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung nghị định 43 về cơ chế tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới toàn diện các trường, các bệnh viện công. Theo đó, học phí đại học có thể tăng lên 12 triệu đồng/năm.

 

img

Học phí mới khiến không ít sinh viên tương lai và phụ huynh hoang mang

Ở Việt Nam, Nhà nước bao cấp bậc Tiểu học. Đối với THCS và THPT, Nhà nước bao cấp một phần. Vậy còn đại học thì sao? Nhà nước sẽ tăng hỗ trợ cho các đối tượng chính sách nhưng trong tương lai sẽ để cho các trường tự thu chi.

Trên thực tế, không phải gia đình khó khăn nào cũng thuộc đối tượng chính sách hộ nghèo, cận nghèo. Vậy xin hỏi Nhà nước hỗ trợ như thế nào với những gia đình như vậy? 12 triệu đồng/năm học phí là thấp nhất và chẳng có con số cụ thể nào để giới hạn. Đây quả là nỗi lo lớn với các bậc phụ huynh.

Tiền học phí đắt đỏ lại cộng thêm thực trạng sinh viên đại học ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, có lẽ nhiều cha mẹ và học sinh sẽ phải ngần ngại, đắn đo suy nghĩ: nên cho con học đại học hay tìm một con đường khác?

Bạn Đỗ Thu Hiền (Vĩnh Phúc, sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Gia đình mình chẳng sung túc gì, đến mua một cái laptop 10 triệu cũng phải vay của bao người, nhưng chẳng thuộc đối tượng chính sách miễn giảm nào cả. Hiện tại học phí của trường mình là hơn 5 triệu/năm. Tuy không áp dụng mức học phí mới cho sinh viên khóa trước nhưng 12 triệu/năm là số tiền sẽ khiến các gia đình như nhà mình phải rất chật vật mới có được. Còn các em họ của mình nữa chứ. Liệu các cô chú có đủ tiền cho các em ăn học. Chắc hơi nghèo một tí thì không học nổi đại học nữa?”

Gia đình nghèo thì việc đi học tất nhiên là rất khó khăn. Nhưng không phải nghèo mà hơi nghèo một chút thì chắc không học nổi đại học nữa? Phải khá giả trở lên mới học nổi đại học? Xem ra những con chữ, kiến thức ấy không chỉ là tài sản vô giá mà còn thực sự đắt giá khiến nhiều người phải bật nước mắt. Có lẽ Nhà nước ta phải xem xét lại cái gì mới thực sự cần thiết phải bao cấp, đầu tư?

Trong khi những người dân thường đã lo càng lo hơn làm sao nuôi con học đại học thì doanh nghiệp Nhà nước vẫn làm ăn thua lỗ làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng, và nạn tham nhũng vẫn chưa thể hạn chế được.