Dân Việt

Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền Việt Nam

Đức Hoàng - Hạ Anh 08/01/2015 06:55 GMT+7
Chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 6.1 ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là “4 ban vũ trang nhân dân ở Tam Sa” thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Biển Đông tiếp tục nóng

Theo mạng Tin tức Trung Quốc, các ban vũ trang này nằm ở cụm đảo Phú Lâm, Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính quyền Hải Nam cho rằng việc thành lập các ban này nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết về việc “hoàn thiện thể chế chính quyền cơ sở ở Tam Sa”, bất chấp đó là hành vi vi phạm chủ quyền của nước khác. Động thái mới nhất này trong những ngày đầu của năm 2015 cho thấy âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc ngày càng lộ rõ. Mạng này cho hay “Chính quyền Tam Sa” sẽ triển khai hoạt động vũ trang của 4 ban này ở Hoàng Sa. Truyền thông Trung Quốc cho rằng các ban vũ trang là một bộ phận quan trọng của chính quyền cơ sở và Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Việc thành lập này nhằm mục đích tăng cường xây dựng hậu cần quốc phòng và tổ chức cơ sở động viên ứng phó khi có chiến tranh.

img
Trung Quốc đang tăng cường nhiều tàu tuần tra trên Biển Đông. tư liệu
Trước đó, ngày 5.1, trong bản tin của Tân Hoa xã cũng cho thấy, Trung Quốc đã ngang ngược triển khai một tàu tiếp tế lớn tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

 

Những hành động nói trên của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Trung Quốc đã viện dẫn đường 9 đoạn phi lý của mình để đưa ra những đòi hỏi vô căn cứ về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Năm 2014, Biển Đông đã trải qua những thời khắc căng thẳng, do phía Trung Quốc đơn phương hành động, bất chấp luật pháp quốc tế. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, tình hình Biển Đông trong năm 2015 sẽ tiếp tục căng thẳng và khó đoán định.

Đường 9 đoạn phi lý

Trong một bài viết mới nhất của ông Scott Cheney Peters- Chủ tịch và là người sáng lập ra Trung tâm An ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC) nhận định rằng, ‘‘đường 9 đoạn” của Trung Quốc sẽ đối mặt với trận chiến mới khi các phân tích về tính pháp lý đều cho thấy nó không có cơ sở. Bài báo đăng trên trang web của CIMSEC cho thấy, chuyên gia Scott Cheney Peters cho rằng, yêu sách mập mờ của Trung Quốc đối với Biển Đông, được phân định mang tính ước lượng bởi một loạt dấu gạch được biết đến với tên gọi "đường 9 đoạn", đã phải đối mặt với sự phản đối từ nhiều nước có liên quan hơn trong thời gian vừa qua.

Chuyên gia Scott Cheney Peters cũng cho biết, ngày 5.12 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một nghiên cứu phân tích về sự phù hợp hay không của "đường 9 đoạn" Trung Quốc với luật pháp quốc tế.

Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho thấy nếu "đường 9 đoạn" là ranh giới của các yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc địa chất nằm trong phạm vi đường này và vùng lãnh hải mà chúng được hưởng thì yêu sách chủ quyền này là không phù hợp nhất với luật pháp quốc tế. Bản báo cáo còn nêu rõ nếu coi "đường 9 đoạn" như là một đường biên giới quốc gia thì đường này "không có cơ sở pháp lý phù hợp theo luật biển", nguyên nhân là do bản chất đơn phương của nó và khoảng cách không nhất quán của nó từ các cấu trúc địa chất mà chúng có thể được gọi là lãnh hải.

Cho dù, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục đưa ra luận điệu rằng các yêu sách chủ quyền của họ dựa trên cơ sở các quyền "lịch sử" trước khi có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thì báo cáo này đã lập luận rằng cái lịch sử mà Trung Quốc chỉ ra không phù hợp với "phạm trù hẹp về các tuyên bố chủ quyền lịch sử được công nhận" trong UNCLOS.

Việt Nam cũng đã nhiều lần bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “đường đứt đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra. Việt Nam tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở Biển Đông.

 Trong những năm qua, Trung Quốc liên tục có những động thái xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm. Tháng 10.2014, Bắc Kinh tuyên bố đã xây dựng hoàn tất đường băng dài 2km mà giới chuyên gia cho rằng để phục vụ cho mục đích quân sự.