Giống như trái sầu riêng, quách khi chín tự nhiên rụng vào ban đêm. Sáng sớm, người ta chỉ cần ra vườn lượm về. Trái quách tròn tròn cỡ gáo dừa khô, có lẽ vì thế mà dân gian còn gọi nó là cây gáo, trái gáo. Để vài ba bữa sau, khi trái quách chín muồi, da mốc trắng và tỏa mùi hương thơm ngát rất đặc trưng.
Vỏ quách cứng như vỏ dừa, phải dùng sức mạng đập mới bể. Bên trong ruột, người ta sẽ thấy phần cơm trái mềm có màu nâu như màu me chín, trong đó có những hạt li ti nhỏ hơn hạt lựu, vị chua chua, ngọt ngọt, beo béo, giòn giòn của hạt và mùi thơm đặc trưng.
Trái quách chín được dùng dầm nước đá đường vừa ngon miệng có tác dụng giải nhiệt được mọi người thích nhất. Dân gian bửa đôi trái quách ra dùng muỗng nạo ruột trái cho vào ly đánh nhừ. Cho đường cát và nước đá bào vào, là sẽ được một món giải nhiệt ngày hè thú vị và đáng nhớ.
Ngoài ra quách còn để ngâm rượu. Thường người ta dùng rượu gạo hoặc rượu nếp để ngâm. Chọn những trái chín tròn trịa, mặt ngoài không có vết xước hay thủng sâu. Dùng ruột quách ngâm hòa cùng với rượu, hoặc bổ trái quách ra làm những miếng vừa cho vào hũ rượu. Cũng có thể dùng dao khoét vài lỗ trên trái quách rồi để nguyện trái ngâm với rượu. Dù cách nào đi nữa khi thành phẩm rượu phải trong, còn nguyên mùi thơm của quách mới đạt.
Rượu quách không những thơm ngon, người uống nếu theo giờ giấc, liều lượng nhất định thì rượu không những là đặc sản mà còn là vị thuốc bổ, giúp con người ta cường gân cốt, bổ thận, nhuận tràng, dễ tiêu…