Dân Việt

Coi chừng nông sản bị bêu xấu

Ngọc Lê 09/01/2015 07:29 GMT+7
Với sự đa dạng hóa sản phẩm, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam ngày càng được xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp làm kiểu “ăn xổi”, làm ẩu  khiến nhiều nước đã lấy hàng nông sản Việt ra để “bêu xấu” như một ví dụ về hàng kém chất lượng…

Bị cảnh báo ở nhiều thị trường

Theo Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), trong năm 2014 số vụ hàng nông-thủy sản nước ta bị nước ngoài cảnh báo ngày càng gia tăng. Cụ thể, tại thị trường Mỹ với Luật Nông nghiệp 2014 bổ sung trách nhiệm thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với tất cả các loài thủy sản thuộc bộ Siluriformes cho Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và kiểm soát quy định đối với toàn bộ chuỗi sản xuất từ công đoạn nuôi, vận chuyển đến chế biến, xuất nhập khẩu dẫn tới nhiều sản phẩm thủy sản bị “tuýt còi”. Riêng đối với sản phẩm mật ong, chúng ta đang gặp khó do phía Mỹ đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ bằng các trang thiết bị hiện đại, số lượng mẫu và các chỉ tiêu phải kiểm tra trong chương trình giám sát tăng lên nhiều.

img

Nguồn mật ong nuôi tại Việt Nam phần nhiều chưa được giám sát phù hợp với các chỉ tiêu mà thị trường Hoa Kỳ đòi hỏi. Ảnh chụp một trại nuôi ong tại Mộc Châu, Sơn La.

Trong khi đó, tại thị trường Brasil, cơ quan thẩm quyền nước này đã ban hành lệnh tạm thời đình chỉ nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam do phía ta gửi chậm kế hoạch khắc phục đối với các khuyến cáo của Bộ Thủy sản và nuôi trồng nước này (MPA). Theo nhận định của Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, đây là việc chưa có tiền lệ, không phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó lệnh của MPA còn bao gồm cả việc ngừng nhập khẩu đối với thủy sản và sản phẩm thủy sản, bao gồm cả đánh bắt từ Việt Nam.

Tại thị trường Hàn Quốc, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm (MFDS) nước này cũng đang áp dụng chế độ kiểm soát chặt đối với mặt hàng thủy sản tẩm gia vị (cá bò khô tẩm gia vị) của Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc. Thậm chí, họ còn yêu cầu trực tiếp sang kiểm tra- điều không phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo rào cản đối với xuất khẩu mặt hàng này của ta. Đặc biệt, tại Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng quy định yêu cầu phải đăng ký sản phẩm với cơ quan thẩm quyền để họ xem xét trước khi xuất hàng hóa vào Trung Quốc, phải cung cấp các tài liệu, thông tin liên quan như: Hệ thống quản lý ATTP của Việt Nam, tình hình kiểm soát sinh vật gây hại, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống phòng kiểm nghiệm…

Tại thị trường Malaysia, việc xuất khẩu lợn sữa và trứng muối của Việt Nam gặp khó khăn do quy định kiểm tra chặt chẽ và yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu của Cục Thú y Malaysia cho mỗi lô hàng và phía Việt Nam phải chịu mọi kinh phí kiểm tra.

Vì đâu nên nỗi?

Theo đại diện của Bộ Công Thương, dường như gần đây đang có chiến dịch bôi xấu hình ảnh nông sản Việt Nam tại một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Tây Ban Nha… Đặc biệt, tại Nga và Ukraine, đại diện 2 nước này phản ứng rất gay gắt trước việc sản phẩm cá tra xuất khẩu của nước ta sang những thị trường được mạ băng quá nhiều và chứa quá nhiều nước.

Ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Sang tới đó, họ mới phản ánh thẳng, nước chúng tôi đã có quá nhiều băng, nên không cần phải nhập băng nước”.

Sở dĩ có điều trên là do để cạnh tranh thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động hạ giá sản phẩm xuống, sau khi hạ giá họ bù chi phí bằng cách cho mạ băng vào sản phẩm cá fillet xuất khẩu lên tới 20-45% (trong khi chỉ cần mạ băng 5% là đủ). Ngoài ra, trong quá trình chế biến, các doanh nghiệp cũng chủ động nâng tỷ lệ hàm ẩm (ngậm nước) của cá từ 79-87%.

Ông Tạ Quang Kiên- chuyên gia thuộc Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho rằng, thực tế các rào cản thương mại ngày càng tinh vi, hàng nông- thủy sản của nước ta bị cảnh báo ngày càng nhiều, nhưng thực tế chúng ta mới đang giải quyết các vụ việc theo tính chất sự vụ, chứ chưa có được dự báo trong tương lai các thị trường họ sẽ phản ứng và có những quy định như thế nào đối với sản phẩm nông sản của nước ta.

Còn theo nhận định của Bộ NNPTNT, những khó khăn trên là do hiện việc quy hoạch vùng nguyên liệu gắn kết với sản xuất, chế biến chưa được đồng bộ, dẫn tới chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế, trình độ quản lý của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản còn kém. Đặc biệt, nhiều nước đang có xu hướng gia tăng áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Kinh phí cho xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia còn thiếu…

   “Nông sản Việt bị bôi xấu, gây khó ở thị trường nước ngoài không còn là chuyện hiếm nữa. Một số  thị trường không xuất phát từ một quan điểm, chính sách tốt đẹp là vì an toàn thực phẩm hay vì sức khỏe người tiêu dùng. Họ chỉ coi đó là một công cụ thương mại để gây khó khăn cho đối tác khi đã bị phụ thuộc vào thị trường của họ chứ không phải vì người tiêu dùng. Người sản xuất của ta phải thay đổi thói quen làm ẩu, tắc trách, phải có hàng rào kỹ thuật để nâng cao chất lượng, mới mong mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác” - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
  Mai Hương (ghi)