Vịt đồng no mồi đẻ hột lớn cỡ nắm tay, lòng đỏ màu son. Người dân quê có món hột vịt luộc hồng đào dầm nước mắm chanh ớt chua cay chấm với năng hoặc rau lang luộc ăn với cơm lúa mùa nóng hổi thì ngon miệng vô cùng.
Hột vịt luộc. (Ảnh: Minh Thương)
Vịt đẻ hột lượm về để trong nhà vài ba bữa luộc. Hột vịt mới đẻ luộc vỏ bám sát vào lòng trắng, khó lột, lại mềm ăn không ngon. Hột vịt thường được lấy rơm rửa, kỳ cọ cho sạch các chất dơ bám bên ngoài, để ráo.
Theo kinh nghiệm dân gian, người ta bắc nồi nước lên chụm lửa cho sôi rồi thả hột vịt vào. Canh chừng đúng 5 phút thì vớt hột ra rồi đổ ngay vào thau nước lạnh. Hột hồng đào ngon không chỉ nhờ vào lòng đỏ vừa chín còn sền sệt mà lòng trắng hột cũng phải chín, giòn. Hột lột sạch vỏ để cho khô.
Rau lang ngoài vườn hái lấy đọt non. Bẻ bỏ bớt cọng già, cứng, rửa sạch, để ráo. Bắc nồi nước cho sôi, thêm chút muối rồi cho rau vào, sao cho rau ngập hết trong nước, dùng đũa trở đều rồi vớt rau ra rổ cho ráo nước. Làm như vậy, rau sẽ xanh ngon. Rau luộc sôi già quá lửa sẽ nhũn nát, cồn nếu nước chưa sôi mà cho rau vào sớm thì rau sẽ không xanh, mướt.
Rau lang luộc. (Ảnh Minh Thương)
Nước mắm ăn hột vịt hồng đào chấm rau lang được chế biến cũng khá kỳ công. Tỏi đâm, ớt bằm nhuyễn, vắt chanh vào, gạn bỏ hột, thêm chút bột ngọt và nước dừa tươi, khuấy đều và cuối cùng là rót nước mắm vào. Hột vịt bẻ làm đôi, làm ba, chan nước mắm vừa làm lên trên, trộn đều cho thấm. Cơm nóng vừa chín ăn với rau lang luộc chấm hột vịt luộc thì vừa ngon miệng vừa có giá trị dinh dưỡng. Rau lang có tác dụng chống táo bón, dễ tiêu, giàu vitamin A.
Nếu không ăn với rau lang luộc mà kiếm được năng tươi chấm với hột vịt luộc thì sự hấp dẫn cũng không kém, cơm ăn no quên thôi. Thậm chí, lúc làm đồng người ta tranh thủ hái cỏ lá hẹ, rau mác, rau dừa, hay ngắt vài đọt bông súng đồng về lặt sạch chấm ăn cũng ngon.
Tóm lại, từ những thứ dân dã nhưng với trí tuệ dân gian đã kết hợp và sáng chế ra món ăn vừa giản dị vừa ấm lòng người bình dân miền sông nước.