Dân Việt

Thành công nhờ sản xuất sạch hơn

17/05/2011 07:42 GMT+7
(Dân Việt) - Với tổng mức đầu tư là 3,6 tỷ đồng cho sản xuất sạch hơn (SXSH), Công ty CP Mía đường Sông Lam (Nghệ An) đã thu lợi tới 710 triệu đồng/năm. Việc áp dụng SXSH của công ty này đã trở thành hình mẫu cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đường và cồn tại VN...

Công ty CP Mía đường Sông Lam tiền thân là Nhà máy Đường Sông Lam được xây dựng tại xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với công suất ban đầu là 350 tấn mía/ngày và 50.000 lít cồn thực phẩm/năm.

img
Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Mía đường Lam Sơn.

Do quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà máy đã di chuyển đến xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn và đầu tư mở rộng công suất lên 500 tấn mía/ngày, 1 triệu lít cồn/năm. Đến nay công suất của nhà máy đã đạt mức 7.000-7.500 tấn đường kính/năm và 1 triệu lít cồn/năm.

Đầu tư nhỏ, lợi ích lớn

Ông Phan Đình Đức-Giám đốc công ty, nhớ lại: Trước khi áp dụng SXSH, thách thức lớn nhất của chúng tôi là tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Với một lượng nước thải rất lớn, khoảng 7.000m3 ngày/đêm từ dây chuyền sản xuất đường và cồn, nồng độ các chất gây ô nhiễm đều vượt ngưỡng cho phép.

Ngoài ra, chúng tôi còn phải xử lý 100 tấn bã thải/ngày từ dây chuyền sản xuất đường. Đây là nguồn chất thải dễ lên men, hôi thối và dễ bị khuếch tán theo gió, trôi theo mưa nên việc không thu gom chế biến sẽ gây ô nhiễm nặng môi trường xung quanh.

"Chúng tôi đã may mắn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương thông qua Hợp phần SXSH trong công nghiệp và sự tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Sản xuất sạch VN trong việc đánh giá và áp dụng các giải pháp SXSH để khắc phục những hạn chế nêu trên" - ông Đức nói.

Ông Đức cho biết, sau khi tiến hành đánh giá SXSH, xác định các giải pháp cải tiến, Sông Lam đã thực hiện 12 giải pháp nội vi không tốn chi phí và chi phí thấp, chỉ khoảng 29 triệu đồng. Công ty đã ra quy định tiết kiệm điện, thay thế các loại đèn dây tóc bằng các loại đèn tiết kiệm điện, chuyển sang sử dụng quạt công suất thấp. Lợi ích đem lại từ các giải pháp này là 29,5 triệu đồng/năm, định mức tiêu thụ điện giảm 6%.

Cơ bản giải quyết ô nhiễm môi trường

Đặc trưng của nhiều nhà máy sản xuất đường và cồn hiện nay là tổn thất than trong sản xuất rất lớn. Nguyên nhân là do than có độ ẩm cao, lượng gió dư trong lò cao, kích thước và chất lượng than thấp do chứa nhiều tạp chất...

Công ty Mía đường Sông Lam đã được tư vấn dùng bạt che than tránh trời mưa, kiểm soát độ ẩm của than khi nhập nguyên liệu, kiểm soát lượng gió của lò và kích thước của than đúng kỹ thuật... Với các giải pháp này, định mức sử dụng than của công ty đã giảm 13,2%, từ mức 980kg/1.000 lít cồn xuống 850kg/1.000 lít cồn. Việc giảm tiêu thụ than cũng giúp hạn chế phát thải 239,2 tấn CO2/năm.

Ông Đức cho rằng, SXSH không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, mà còn giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín.

Với những lợi ích thiết thực, ông Đức cho biết, công ty đã mạnh dạn áp dụng các giải pháp đầu tư lớn hơn nhằm giải quyết triệt để các vấn đề tiêu thụ và thất thoát nguyên vật liệu và các vấn đề môi trường nổi cộm. Đó là xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh, xây dựng hệ thống xử lý khói bụi lò hơi nấu cồn và xử lý nước thải sản xuất cồn... Với tổng đầu tư 3,6 tỷ đồng, lợi ích thu được từ các giải pháp đầu tư này hàng năm lên tới 710 triệu đồng và từ giải pháp này công ty đã tận dụng được bùn tro bã mía để sản xuất 5.000 tấn phân vi sinh/năm...

Có thể nói, triển khai các giải pháp SXSH đã giúp công ty giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường hiện tại. Việc tận dụng bùn thải làm phân vi sinh đã xử lý triệt để khoảng 100 tấn bã thải/năm, hạn chế tình trạng ô nhiễm mùi tại nhà máy cũng như môi trường xung quanh. Lượng nước thải (100m3/ngày) với nồng độ các chất độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép cũng đã được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.