Dân Việt

Điện đi xóa đói, giảm nghèo

Mai Nguyễn 24/03/2014 13:51 GMT+7
Phải thẳng thắn thừa nhận, các dự án phát triển hệ thống điện của ngành điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo hoàn toàn không mang tính chất kinh doanh mà là phục vụ các mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Thử hình dung, cùng bỏ ra 100 tỷ đồng để đầu tư lưới điện truyền tải, đưa điện đến với người tiêu dùng nhưng nếu đầu tư lưới điện ở Hà Nội, nơi khách hàng tiêu thụ một lượng điện rất lớn ngành điện sẽ thu được lãi lớn, thì ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, con số này là rất nhỏ bé.

Đây là chưa kể đến chuyện nếu là đầu tư lưới điện lên miền núi, thay vì phải làm đường dây truyền tải điện 10km, ngành điện phải làm đường dây truyền tải dài đến cả 100km. Vốn đầu tư tăng đến hàng chục lần nhưng giá điện không được bán cao hơn, thậm chí còn thấp hơn giá điện thực tế theo chương trình hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo và dù khoản này đã được ngân sách Nhà nước bù lỗ nhưng cũng không thể đủ bù đắp cho ngành điện được.

Đó cũng là một câu chuyện rất thực tế mà EVN đã và đang triển khai tại nhiều địa phương hiện nay. Một lãnh đạo của Ban Kinh doanh EVN khẳng định: Đặc điểm của đầu tư điện nông thôn là loại đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhưng không mang lại hiệu quả tài chính kinh doanh cho các doanh nghiệp quản lý kinh doanh điện nông thôn.

Ngành điện đang cố gắng làm tất cả để “điện đi trước một bước” trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và thực tế, ngành điện cũng đã góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương khi mà lưới điện quốc gia đi tới đâu, đời sống của người dân được nâng cao tới đó.

Thống kê của Công ty Điện lực Lai Châu cho thấy, sau khi chia tách và thành lập, số xã có điện trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 40%, còn số hộ sử dụng điện cũng chỉ đạt 30%. Nhưng từ sau khi có Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, EVN được giao hỗ trợ cho 3 huyện là Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên.

Sau hơn 4 năm triển khai (từ năm 2009 đến 2013), hàng ngàn km đường dây, hàng trăm trạm biến áp lớn nhỏ và hơn 20.000 công tơ điện đã được EVN đầu tư. Ngoài ra, EVN cũng ưu tiên ghi vốn cho tỉnh đầu tư mới các công trình hạ tầng lưới điện, cải tạo và nâng cấp các công trình hạ tầng lưới điện… đưa điện tới người dân.

Theo ghi nhận của ông Nguyễn Ngọc Lạc - Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu, tại các bản làng có lưới điện quốc gia, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng cao rõ rệt.

Người dân đã sử dụng điện lưới để phát triển kinh tế gia đình như: Mở cơ sở sản xuất cơ khí, chế biến nông sản, cửa hàng điện tử, điện lạnh... Không những thế, điện lưới quốc gia còn giúp bà con nông dân có điều kiện phát huy tiềm năng đất đai trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.